Phụ nữ tuổi 40 trở đi dễ bị bệnh tuyến giáp

Do ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa, phụ nữ từ tuổi 40 trở đi dễ bị những rối loạn chức năng nội tiết tố tuyến giáp và bệnh tuyến giáp nốt.

15.6037

Theo bác sĩ nội tiết Chia Su-Yin, BV Mount Elizabeth, Singapore, phụ nữ đến độ tuổi 40 sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, phần nhiều do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Trong đó, phổ biến là tình trạng rối loạn chức năng nội tiết tố tuyến giáp và bệnh tuyến giáp nốt. 

Tuyến giáp có hình cánh bướm nằm phía trước khí quản. Ảnh: medinet.

Tuyến giáp là một tuyến hình bướm, kích thước bằng hai ngón tay cái, nằm ở phía trước khí quản. Chức năng chính là sản xuất, dự trữ và giải phóng hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp giúp điều hoà nhiều quá trình tế bào trong cơ thể, điều chỉnh tỷ lệ trao đổi chất và tác động đến các chất béo, cholesterol và sử dụng đường. Do đó tuyến này ảnh hưởng đến sự cân bằng tổng thể của năng lượng trong cơ thể của con người.

Rối loạn chức năng nội tiết tố tuyến giáp là sự mất cân bằng mức độ hormone tuyến giáp, thường được quy định chặt chẽ trong máu. Bệnh về tuyến giáp xảy ra khi lượng hormon tuyến giáp quá cao (cường giáp) hoặc quá thấp (suy giáp).  

Cường giáp khiến bệnh nhân giảm cân mặc dù tăng sự thèm ăn, ra mồ hôi quá nhiều, đi tiểu thường xuyên, căng thẳng, lo âu, run rẩy, nhịp tim nhanh, mất ngủ, suy nhược ở cánh tay và đùi cơ bắp, kinh nguyệt bất thường. Suy giáp gây ra các triệu chứng như ngủ lịm, tăng cân, phù nề, đau cơ, không chịu được lạnh, táo bón, da khô, tóc thô, giọng khàn khàn, kinh nguyệt nhiều và trầm cảm.

BS Ho Su Chin, BV Parkway East, cho biết, nồng độ hormone tuyến giáp cao hay thấp có thể dễ dàng chẩn đoán qua xét nghiệm máu. Khuyến cáo tất cả phụ nữ trên tuổi 35 nên có thói quen theo dõi chỉ số hormone tuyến giáp qua xét nghiệm máu định kỳ 5 năm một lần. Những phụ nữ có nguy cơ phát triển các vấn đề nội tiết tố tuyến giáp thường có triệu chứng:

- Vết sưng ở cổ.

- Tiền sử rối loạn tuyến giáp.

- Tiền sử gia đình có bệnh tuyến giáp.

- Phẫu thuật bức xạ cổ hoặc phẫu thuật cổ.

- Mang thai gần đây và trong vòng một năm sau khi sinh.

- Sử dụng thuốc (như lithium, amiodarone).

- Rối loạn tự miễn dịch như bệnh đái tháo đường tuýp 1, nổi ban đỏ Lupus.

- Viêm khớp dạng thấp.

- Phụ nữ có vấn đề với khả năng sinh sản cũng cần tầm soát hóc môn tuyến giáp như rối loạn chức năng tuyến giáp có thể dẫn đến vô sinh, sảy thai, sinh non, thai nhi dị tật và biến chứng ở trẻ sơ sinh.

Một căn bệnh phổ biến khác là tuyến giáp nốt, xảy ra khi có sự phát triển của khối u (hoặc nốt) bên trong tuyến giáp. Những "viên cuội" này có thể xuất hiện một cách độc lập hoặc nhiều và thay đổi kích thước từ nhỏ hơn một cm đến 6 - 8 cm. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí, các nốt có thể dễ dàng nhìn thấy, cảm thấy ở cổ, trong khi những nốt khác chỉ có thể được phát hiện bằng cách chụp X-quang.

Việc kiểm tra khối u tuyến giáp rất dễ dàng. Tuyến giáp nằm ở giữa trái cổ và xương đòn. Bạn hãy đứng trước một tấm gương, nghiêng đầu nhẹ ra phía sau và nuốt, tập trung sự chú ý vào trái cổ. Bướu hoặc khối u tuyến giáp di chuyển khi đang nuốt. Nếu phát hiện có khối u khi đang nuốt, bạn nên đi khám bác sĩ.

Tuy nhiên các bác sĩ khuyên chị em không nên hoang mang khi phát hiện bệnh bởi hầu hết các khối u tuyến giáp là lành tính. Chỉ khoảng 5% nhân giáp là ung thư. Ung thư tuyến giáp thường hiện diện như cục u tuyến giáp hoặc nốt, thường không gây đau hay khó chịu. Hiếm khi dẫn đến khan tiếng, khó khăn trong giao tiếp hoặc nuốt khi chuyển sang ung thư.

Vì vậy rất khó để phân biệt giữa u lành tính và u ác tính dựa trên các triệu chứng. Ung thư tuyến giáp có thể chữa được nếu phát hiện và điều trị sớm. Do đó, bất cứ khi nào phát hiện khối u hoặc vết sưng cổ hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

Theo Thi Ngoan - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]