Phụ nữ tuổi trung niên dễ mắc bệnh tim

0

Phải mất khá nhiều thời gian nền y học hiện đại mới phát hiện ra đối tượng dễ bị bệnh tim mạch nhất chính là chị em phụ nữ tuổi trung niên.

Vào những năm 1950, không chỉ người bình thường mà chính giới y học cũng ngộ nhận trái tim phụ nữ luôn khỏe hơn trái tim đàn ông nên họ ít bị các bệnh về tim mạch hơn. Những ngộ nhận này xuất phát từ kết luận của công trình nghiên cứu Framingham Heart Study cho rằng trái tim nữ giới, nhìn chung, được miễn nhiễm với bệnh tim.

Sau khi kết quả này được công bố, chỉ có 21% nữ giới ý thức được rằng bệnh tim sẽ gây nghuy hiểm cho họ, 8% bác sĩ gia đình và 17% bác sĩ tim mạch tin rằng tử vong vì bệnh tim ở nữ giới cao hơn nam giới.

Nhưng may mắn là đến những năm 1980, các nghiên cứu khác về bệnh tim đã điều chỉnh sai sót này với chứng minh rằng phụ nữ tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh tim. Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi tuổi còn trẻ, phụ nữ tương đối ít bị bệnh tim nhờ có hormon nữ estrogen bảo vệ, nhưng tới gần tuổi mãn kinh thì bệnh xảy ra nhiều hơn.

Với người từ 45 tới 64 tuổi thì cứ 8 người sẽ có 1 người đang mang trong mình một loại bệnh tim nào đó và khi tới tuổi 65 thì nguy cơ đó tăng lên tỷ lệ 1/4 (cứ 4 người thì có 1 người bị bệnh tim). Và một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ khi đã bị bệnh tim sẽ dễ bị nặng hơn nam giới là họ thường chần chừ mãi mới tới bệnh viện khi có dấu hiệu cơn đau tim. Vì họ cứ cho rằng các dấu hiệu này là do khó khăn tiêu hóa hoặc stress hoặc trì hoãn vì không muốn tạo ra lo lắng cho người thân.

Năm 2007, Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đã đưa ra một hướng dẫn cách phòng tránh và điều trị bệnh tim ở nữ giới từ tuổi 20 trở lên. Hướng dẫn tập trung đặc biệt vào đời sống lành mạnh, lưu tâm tới các rủi ro gây ra bệnh tim và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định như sau:

– Không hút thuốc lá.

– Chịu khó vận động cơ thể mỗi ngày 30 phút

– Giảm béo phì qua cân bằng ăn uống. Giữ chỉ số khối cơ thể BMI từ 18.5 tới 24.9 và vòng hông nhỏ hơn 88 cm.

– Ăn nhiều rau, trái cây, giảm chất béo động vật.

– Không uống rượu.

– Giảm căng thẳng tinh thần. Điều trị ngay khi bị trầm cảm.

– Phụ nữ mới thoát khỏi cơn đau tim, cơn đau thắt ngực, đã thông tim, nhận stent cần gia nhập các chương trình tập luyện phục hồi để giảm thiểu tái phát bệnh.

Dấu hiệu bệnh tim cần cảnh giác

Để nhanh chóng phát hiện bệnh tình, bạn cần chú ý đến các dấu hiệu sau:

1. Cảm giác ĐAU:

– Đột nhiên thấy khó chịu hoặc đau trước ngực, cổ, hàm, vai, tay. Cơn đau kéo dài trên vài phút

– Đau như có gì cháy bỏng, siết ép đè nặng lên ngực.

– Cơn đau vẫn không hết khi bạn đã ngồi nghỉ.

– Cơn đau nhiều khi không rõ ràng: đau khi gắng sức, hết khi nghỉ ngơi.

2. Khó thở, thở hụt hơi

3. Buồn nôn, cảm thấy đầy bụng khó tiêu

4. Đổ mồ hôi, da lạnh, ẩm.

5. Tâm trạng sợ hãi, lo âu

Theo Khiết Nhi/Suckhoegiadinh.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]