“Phù thủy” Trần Bảo Minh và bước đi mới ngược đám đông ngành sữa

“Phù thủy” Trần Bảo Minh còn cho biết định hướng của IDP trong thời gian tới sẽ kết hợp với đối tác nước ngoài như hợp tác với đối tác Úc đưa trực tiếp sữa tươi Úc vào thị trường Việt Nam. Tweet

15.6294

Ảnh minh họa.

Hãng nghiên cứu Euromonitor International từng đánh giá cao tiềm năng của ngành sữa khi đưa ra cho biết giá trị giao dịch ngành sữa Việt Nam năm 2013 đạt 62,2 nghìn tỷ đồng và dự đoán tăng trưởng 20% năm 2014 và 23% năm 2015.

“Ngành sữa còn phát triển mạnh. Số liệu về tỉ lệ tiêu thụ bình quân trên đầu người còn thấp nên thị trường còn nhiều tiềm năng”, ông Trần Thanh Hải- Chủ tịch HĐQT Nutifood nhận xét. Sức hút của ngành sữa góp phần “nâng nhiệt” cho cuộc đua vùng nguyên liệu.

Nóng cuộc đua vùng nguyên liệu

Vốn là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam hiện nay, đầu tư vào vùng nguyên liệu sữa là việc không thể thiếu với Vinamilk. Từ năm 2006, công ty này bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp với tổng vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng, lên tới 1.600 tỷ đồng vào năm 2013. Hiện tổng đàn bò sữa cung cấp cho Vinamilk từ các trang trại và thu mua sữa từ bà con nông dân là hơn 80.000 con, mỗi ngày cung cấp khoảng 550 tấn sữa tươi nguyên liệu.

Một tên tuổi khác ngành sữa là TH Milk cũng đầu tư vào trang trại bò sữa từ năm 2009 khi nhập bò từ Newzealand về áp dụng công nghệ Israel ngay tại Nghệ An với vốn đầu từ 350 triệu USD. Tính đến 2014, trang trại của TH Milk có 45.000 con bò sữa.

Trong vài năm gần đây, ngành nông nghiệp có những dấu hiệu biến chuyển lớn khi hàng loạt đại gia đầu vào lĩnh vực này. Việc đầu tư vào bò sữa không chỉ được chú ý bởi những công ty sữa lớn mà còn có sự tham gia của tên tuổi mới.

Năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố đầu tư vào chăn nuôi bò thịt và bò sữa với dự án có vốn lên tới 6.300 tỷ đồng. Dự kiến tổng đàn bò thịt và bò sữa sẽ đạt 236.000 con trong đó bò sữa là 120.000 con. Sở dĩ bầu Đức mạnh dạn đầu tư bò sữa nhờ lợi thế sẵn có về nguồn đất và phụ phẩm từ đầu tư nông nghiệp như mía đường, dầu cọ, bắp tại Lào, Campuchia và Việt Nam những năm qua. Liên kết được hình thành từ tháng 6/2014 giữa Nutifood và Hoàng Anh Gia Lai sẽ giải quyết bài toán đầu ra cho đàn bò sữa của bầu Đức.

Về phía các doanh nghiệp ngoại như FCV hay Diary Milk cũng nhanh chóng đầu tư vùng chăn nuôi tại Hà Nam và Vĩnh Phúc.

 

Mặc dù cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng người tiêu dùng Việt Nam hiện có đang thực sự được uống sữa tươi hay không lại là câu hỏi lớn. Theo số liệu của Bộ công thương năm 2014 có 439,6 triệu lít sữa tươi nguyên liệu từ các hộ nông dân nuôi bò cung cấp được sử dụng làm sữa nước, đồng thời thị trường sữa nước năm này ghi nhận 947,2 triệu lít được bán ra. Như vậy hơn 500 triệu lít sữa nước có nguồn gốc không phải từ sữa tươi trong nước.

Đi ngược hướng

Cũng là một doanh nghiệp có tiếng trong ngành sữa nhưng CTCP sữa quốc tế (IDP) trong những năm gần đây lại đầu tư mạnh vào hoạt động thương hiệu Love’in Farm thay vì mở rộng vùng nguyên liệu. Theo chia sẻ của ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc IDP, người vốn được mệnh danh là "phù thủy marketing" thì, “Giảm marketing là giảm tương lai”.

Hiện IDP đang thu mua 80% sữa nguyên liệu từ các hộ chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì. Tuy nhiên công ty IDP không có ý định mở rộng vùng chăn nuôi này mà đầu tư bảo tồn và nâng cao giá trị vùng nguyên liệu vốn được người Pháp lựa chọn khai thác từ trước. Chia sẻ với báo Doanh nhân mới đây, “phù thủy” Trần Bảo Minh còn cho biết định hướng của IDP trong thời gian tới sẽ kết hợp với đối tác nước ngoài như hợp tác với đối tác Úc đưa trực tiếp sữa tươi Úc vào thị trường Việt Nam. Bước đi này được cho là ngược dòng so với những doanh nghiệp khác cùng ngành hiện này.

Nếu nhìn sang thị trường quốc tế thì động thái này cũng không có gì ngạc nhiên. Theo số liệu từ hãng sữa Mengniu Dairy Co, nhập khẩu sữa nước từ Trung Quốc tăng 78% trong năm 2014, gần bằng 1/3 so với sữa bột. Nguyên nhân khiến nhập khẩu sữa nước tăng trưởng mạnh là việc người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng chú trọng tới chất lượng sữa.

Việc nhập khẩu trực tiếp sữa tươi từ Úc có thể xem là bước đi nhanh chóng, không mất công sức và thời gian đầu tư nuôi bò sữa. Việc cần làm của IDP chính là làm sao tạo dấu ấn với người tiêu dùng- việc CEO Trần Bảo Minh vốn có lợi thế. Tuy nhiên rào cản của việc nhập khẩu sữa tươi cũng không hề nhỏ từ chi phí vận chuyển, bảo quản khắt khe hơn so với nhập sữa bột, thuế nhập khẩu, cho đến tư duy người tiêu dùng vốn phần lớn đều cho rằng sữa tươi khó bảo quản nên tin tưởng sản phẩm nội địa hơn.

Ông Minh từng thuyết phục TH Milk ghi dòng chữ “sữa tươi 100%” lên vỏ hộp sữa TH khi còn làm việc tại đây nhưng bất thành, liệu với cương vị CEO IDP ý tưởng này có được thực hiện và đem lại thành công cho IDP trong thời gian tới? Câu trả lời chắc hẳn cần nhiều thời gian để giải đáp.

Theo Trí Thức Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]