Phương pháp điều trị bệnh tự kỷ mới cho trẻ

Chuyện từ phòng điều trị

15.5944

Phóng to

Âm ngữ trị liệu đang là phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân là trẻ tự kỷ.

Âm ngữ trị liệu là phương pháp trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ và đang đạt được hiệu quả nhất định trong quá trình điều trị cho trẻ tự kỷ. Phương pháp này cho phép bệnh nhân ổn định về tâm lý và phát triển bình thường về tư duy.

Trong lúc đưa người nhà đến khám bệnh tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, tôi tình cờ gặp cháu Nguyễn Thế Anh, 5 tuổi (Ba Đình – Hà Nội) đang cố sức thoát ra khỏi vòng tay của mẹ để chạy loanh quanh khắp bệnh viện và luôn nhổ nước bọt vào người khác. Những biểu hiện lạ đó được chị Thanh (mẹ cháu Thế Anh) lý giải: “Thế Anh bị mắc chứng bệnh tự kỷ khá nặng, thường biểu hiện qua những hành động không thể kiểm soát như liên tục cởi quần áo quăng lung tung, chạy vào toa lét vục nước trong bồn cầu, nhổ nước bọt tung tóe và hay xé giấy. Gia đình thực sự đã phải “bó tay” trước thảm cảnh này và đang hy vọng các y, bác sĩ chữa trị”.

Được biết, chị Thanh đã đưa cháu đến học tại một trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ nhưng hiệu quả không mấy khả quan. Cứ ở lớp thì Thế Anh tỏ ra khá nghe lời cô giáo nhưng về đến nhà thì tất cả lại đâu vào đấy. Hy vọng vào cánh cửa bệnh viện, chị Thanh đã tìm đến lớp điều trị Âm ngữ trị liệu, Bệnh viên Răng Hàm Mặt Trung ương để chữa bệnh cho con và không ngờ rằng chỉ sau 3 ngày thực hiện điều trị theo lộ trình, Thế Anh đã có những tiến bộ rõ rệt về nhận thức và hành vi. “Sau khi cho cháu điều trị bằng Âm ngữ điều trị, đến nay cháu đã không còn những hành động cởi quần áo vô thức, nhổ nước bọt lung tung nữa mà còn có thể nhận biết được hành động để ra hiệu cho người thân làm theo ý cháu cần”. Chị Thanh cho hay.

Theo bác sĩ Hoàng Oanh, Khoa Âm ngữ trị liệu (Bệnh viện RHM Trung ương) cho biết: “Tự kỷ không phải là một căn bệnh nên không có thuốc chữa trị và rối loạn về ngôn ngữ là hiện tượng điển hình hay gặp ở trẻ mắc chứng tự kỷ. Hiện tại, để điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ phải dựa trên nhiều yếu tố và Âm ngữ trị liệu là phương pháp tối ưu nhất để có thể điều trị tốt chứng bệnh này”.

Lộ trình điều trị theo phương pháp Âm ngữ trị liệu khá phức tạp, mỗi trẻ sẽ phải trải qua một lộ trình khác nhau bởi với trẻ tự kỷ thì biểu hiện và mức độ bệnh hoàn toàn khác. Như trường hợp của cháu Thế Anh, bác sĩ Hoàng Oanh đã phải cất công soạn thảo một phác đồ bằng hình ảnh dựa trên sở thích của bé để thu hút bé tập trung chú ý.

Lý giải nguyên nhân trẻ tự kỷ hay có những hành động bất thường, bác sĩ Hoàng Oanh cho biết: “Do các trẻ liên tục có nhu cầu tìm kiếm cảm xúc nên mới có hành động khó kiểm soát như đã thấy. Vậy nên chỉ khi được hướng đến một hành động khác thuộc về sở thích mà bé đặc biệt quan tâm và được đáp ứng thì mới mong không còn bị rơi vào trạng thái buồn chán, bực bội …

Từ đó, những hành vi không kiểm soát được hành động sẽ không còn nữa. Và quả nhiên, biện pháp đã có tác dụng rõ rệt đếnThế Anh khi cháu tự biết nhặt ra hình chiếc dép và bật lên được thành tiếng để tỏ ý muốn đi ra ngoài hay bé nhặt hình chiếc bánh đưa cho mẹ để diễn đạt ý muốn ăn bánh…Những tiến bộ rõ rệt của cháu Thế Anh là một thành công của phương pháp Âm ngữ trị liệu mà khó có biện pháp điều trị nào đạt được kết quả khả quan nhanh đến thế”.

Hy vọng chữa trị cho trẻ tự kỷ

Thực tế, Âm ngữ trị liệu cũng đã được sử dụng trong điều trị cho trẻ tự kỷ ở nước ta từ lâu nhưng liệu pháp này lại không được đề cao và quan tâm đúng mực. Kéo theo lộ trình điều trị cho trẻ bị tự kỷ cũng bị đơn giản hóa và không hiệu quả. Chỉ khi, tổ chức Y tế của Úc làTrinh Foundition phối hợp với trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, trực tiếp đào tạo khoá học Âm ngữ trị liệu cho các y, bác sĩ của Việt Nam thì thuật ngữ Âm ngữ trị liệu mới được nhắc đến nhiều hơn. Hiện nay, cả nước đã có hai khóa bác sĩ được cử đi học chuyên về ngành Âm ngữ trị liệu nhưng sự thật thì phương pháp này vẫn chưa được biết đến nhiều trong khi bệnh tự kỷ ở trẻ thì ngày một gia tăng.

Cái được của phương pháp âm ngữ trị liệu là “đánh” trực diện vào vấn đề cốt yếu nhất khi trẻ tự kỷ thường bị rối loạn ngôn ngữ hay giao tiếp kém nhưng khả năng nhận biết về hình ảnh lại khá tốt. Âm ngữ trị liệu tận dụng tối đa những triệu chứng này để đưa đến những phác đồ điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, để thực hiện được biện pháp này lại không hề dễ dàng. Thực tế, Âm ngữ trị liệu can thiệp vào lộ trình điều trị ngôn ngữ cho trẻ. Tưởng tượng như khi ai muốn nói một điều gì đó mà lại bị nhét đầy rẻ vào miệng, buộc tay chân không làm được gì… thì sẽ thấy nó đúng như người bị tự kỷ. Vì thế chúng ta nên dạy cho bé các kỹ năng giao tiếp, tất nhiên không nhất thiết là bằng lời mà là những thứ tiền ngôn ngữ và bắt đầu từ ngôn ngữ không lời thì người bệnh như được cởi trói. Tất nhiên, để điều trị có hiệu quả thì nó là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì của cả bác sĩ và gia đình.

Tại lớp Âm ngữ trị liệu của Bệnh viện RHM Trung ương, một buổi bác sĩ Hoàng Oanh chỉ điều trị được cho một trẻ với một giáo trình điều trị riêng. “Rối loạn phổ tự kỷ ở mỗi trẻ là khác nhau, không tìm thấy một dấu hiệu chung nên sẽ rất lâu để liệu giá triệu chứng đó thuộc dạng nào. Thành thử, mỗi bác sĩ Âm ngữ trị liệu đều phải quan sát hành động cũng như biểu hiện của trẻ từng tý một để hiểu được điều mà các trẻ muốn biểu đạt”.

Cái hay của phương pháp Âm ngữ trị liệu nằm ở chỗ người quan trọng thực hiện lộ trình này cho các trẻ lại không ở các chuyên gia mà nhân tố quyết định lại chính gia đình các cháu. Nghĩa là, sau khi được điều trị theo quy trình tại các lớp luyện âm ngữ thì việc thực hành có hiệu quả hay không chủ yếu là từ gia đình tác động đến trẻ. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là trong khi chứng tự kỷ đang dần tăng lên như một căn bệnh của thời đại thì việc trang bị kiến thức về tự kỷ trong mỗi gia đình ở nước ta lại không hề có. Mặc dù, Âm ngữ trị liệu bước đầu đã có những tín hiệu khả quan nhưng tác dụng của phương pháp này cũng chưa được đánh giá đúng mực.

Theo bác sĩ Hoàng Oanh: “Tình trạng trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng nhiều nhưng nhiều bậc phụ huynh lại né tránh. Thực sự, tự kỷ vẫn đang là một nỗi ác mộng đối với mỗi gia đình. Cũng chính từ việc không hiểu rõ về tự kỷ nên việc điều trị cũng gặp bất đồng, không tìm được tiếng nói chung giữa gia đình với các bác sĩ, các chuyên gia”.

“Với trường hợp trẻ 8 tuổi mà không biết cách đi vệ sinh nên trẻ cứ đứng giữa nhà đái tự do hay đọc chữ cái vanh vách mà không hiểu gì… Nhưng khi tìm đến phương pháp Âm ngữ trị liệu, bác sĩ muốn khắc phục tình trạng đó trước thì phụ huynh của trẻ lại không đồng ý mà chỉ yêu cầu khắc phục về mặt tiếp thu kiến thức. Nhất quyết không nghe theo phác đồ điều trị của bác sĩ, phụ huynh làm mình làm mẩy đưa con về và kết quả là bệnh ngày càng nặng, khi quay lại thì đã quá muộn”. Bác sĩ Hoàng Oanh dẫn chứng.

Vậy mới nói, phương pháp từ các y bác sĩ là một chuyện nhưng đã đến lúc cộng đồng cần phải nhìn nhận đúng đắn về chứng tự kỷ rằng, tự kỷ không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai nên để điều trị đạt hiệu quả cao thì điều đầu tiên là chính các bậc phụ huynh cần tin tưởng, kiên trì, quan sát kỹ và luyện tập với con từng ngày.

THEO LAO ĐỘNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]