Khám và chẩn đoán

Bác sĩ, đơn giản nhất, sẽ khám nghiệm cúi lưng để xem cột sống của bé có bị vẹo gù hay không. (Hy vọng là không phải!).

Ngoài ra, còn phải xem xét cẩn thận tình trạng thần kinh-cơ gồm:

  • Yếu cơ
  • Tê mất cảm giác
  • Phản xạ bất thường

Nếu cần, bác sĩ sẽ cho chụp phim X-quang cột sống quy ước và một số tư thế đặc biệt. Có thể phải làm thêm: chụp cộng hưởng từ cột sống, chụp cắt lớp tái tạo 3D, xạ hình xương.

Điều trị đối với mức gù vẹo nhẹ

Góc Cobb

Phần lớn trẻ bị vẹo cột sống nhẹ chỉ cần theo dõi mà không cần phải mang áo nẹp hay phẫu thuật gì cả. Cần theo dõi sát mỗi 4 – 6 tháng.

Mặc dù đã có phác đồ điều trị cho vẹo cột sống nhẹ (góc vẹo, góc Cobb ≤ 200), trung bình (góc Cobb 200 – 400), nặng (góc Cobb ≥ 400), quyết định điều trị phải căn cứ trên tình trạng của từng cá nhân. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố gồm:

  • Giới tính: Bé gái có nguy cơ tăng nặng hơn bé trai.
  • Mức độ nặng của vẹo.
  • Tính chất của đường cong: 2 đường cong dạng chữ S có khuynh hướng nặng hơn dạng chữ C.
  • Vị trí đường cong: Vẹo ở trung tâm (cột sống ngực) thường diễn tiến nặng hơn vẹo ở phần trên hoặc dưới.
  • Độ trưởng thành xương: Nếu trẻ đã ngừng phát triển xương, nguy cơ tăng nặng sẽ giảm. Điều đó có nghĩa là áo nẹp chỉ có hiệu quả nhất ở những trẻ còn đang phát triển.

Áo nẹp cho mức độ gù vẹo trung bình

Nếu trẻ vẫn còn đang phát triển và vẹo cột sống mức độ trung bình – góc Cobb 200 – 400, bác sĩ sẽ khuyên mang áo nẹp.

Nên lưu ý là áo nẹp không giúp điều trị khỏi vẹo cột sống mà chỉ giúp ngăn ngừa vẹo cột sống tăng nặng thêm. Hầu hết áo nẹp được mặc cả ngày và đêm.

Việc mặc áo nẹp sẽ chấm dứt khi bộ xương ngừng phát triển, thường ở vào các thời điểm:

  • Khoảng 2 năm sau khi bé gái có kinh nguyệt.
  • Khi bé trai phải cạo râu thường xuyên.
  • Khi trẻ không còn cao thêm.

Và phẫu thuật

Vẹo cột sống nặng sẽ diễn tiến ngày càng nặng thêm, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật để điều chỉnh độ cong và ngăn ngừa diễn tiến nặng thêm.

Hầu hết phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống là phẫu thuật hàn xương, làm hàn dính các đốt sống lại với nhau bằng cách đặt dụng cụ nắn chỉnh cột sống cùng với ghép xương tự thân (xương của chính bệnh nhân) để giữ cho cột sống được thẳng và lành xương.

Trong trường hợp em bé còn quá nhỏ, việc hàn xương sớm sẽ làm cột sống ngắn lại ảnh hưởng đến chức năng tim-phổi. Khi đó, bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ đặc biệt là thanh tăng trưởng để giúp chỉnh nhưng ít làm ảnh hưởng đến sự phát triển cột sống.

Biến chứng của phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống khá nhiều và nặng nề, bao gồm: chảy máu, nhiễm trùng, đau đớn, tổn thương tủy và rễ thần kinh dẫn đến liệt hạ chi, không lành xương – khớp giả…

Phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống thật sự là một thử thách rất lớn đòi hỏi phải có phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm và tận tâm.

Vật lý trị liệu

Tuy không giúp điều trị được vẹo cột sống, vật lý trị liệu kết hợp với thể dục liệu pháp có thể giúp ngăn ngừa diễn tiến nặng và giúp nâng cao thể trạng của bé.

ThS. BS Nguyễn Thành Nhân

Ảnh bìa: Một loại áo nẹp chỉnh cột sống (T.L)