Phương pháp mổ polyp mật an toàn?

Hôm nay (25/4) BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc tư vấn giải đáp thắc mắc của bạn đọc từ 14 - 16g. Mời bạn đọc đón xem câu trả lời, bắt đầu lúc 14g30 cùng ngày.

0
BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - BV Nhân dân Gia định

Nội dung tư vấn của BS Thu Cúc với bạn đọc AloBacsi:

 - Trang - [email protected]

Em chào bác sĩ,

Em đang dùng thuốc chống đông sintrom, vậy nên mổ polyp mật như thế nào ạ?Chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Tôi không rõ em đang dùng kháng đông để điều trị bệnh gì, nên không thể tư vấn cho bạn về thời gian có thể ngưng thuốc và những nguy cơ ngưng thuốc. Vì vậy theo tôi bạn nên tham khảo ý kiến BS Nội khoa mà bạn đang điều trị để có nhiều thông tin hơn.

Hơn nữa trước khi phẩu thuật những trường hợp đặc biệt này sẽ được hội chẩn với BS chuyên khoa vì vậy bạn có thể yên tâm.   

Hỏi tiếp BS Thu Cúc

 - Trang  - [email protected]

Chào bác sĩ,

Cảm ơn BS đã phản hồi thông tin em hỏi. Em mổ thay van tim cách đây 10 năm và phải dùng thuốc chống đông ạ. Vì vậy em rất lo nếu phải mổ polyp mật.

Em hỏi thêm là liệu có thuốc gì uống cho teo polyp không? Hoặc có cách nào mổ an toàn nhất không ạ? Em nghĩ các BS tim mạch cũng phải hội chẩn cùng. Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Polyp sẽ không tự biến mất, thuốc kháng đông trong trường hợp của em cũng không thể ngưng. Nếu xét chỉ định cần thiết phải mổ tùy vào phương pháp mổ: mổ nội soi hoặc mổ mở, lúc này BS Ngoại khoa sẽ hội chẩn với BS chuyên khoa Tim mạch để xem xét nguy cơ và cách chuyển đổi thuốc kháng đông trong quá trình phẫu thuật.

Thân ái.

- Vũ Thị Yến - [email protected]

Chào bác sĩ,

Tôi bị đầy bụng, lúc đi tiêu chảy, lúc lại táo bón, đau dưới vùng hậu môn và đau hết vùng bụng. BS có thể cho tôi biết tôi bị bệnh gì? Có phải đến BV không? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,    

Rối loạn thói quen đi cầu gồm tiêu chảy xen kẽ với táo bón thường do các nguyên nhân sau đây gây ra như: polyp trực tràng, u trực tràng, cũng có thể do thói quen ăn uống. Tùy vào độ tuổi các yếu tố nguy cơ, triệu chứng đi kèm như thiếu máu, sụt cân…mà có thể tiên đoán nguyên nhân.

Nếu tình trạng trên kéo dài bạn nên đến BV để kiểm tra tìm nguyên nhân và có hướng điều trị tốt hơn, bạn nhé.

- Hồng Vân - [email protected]

Thân chào bác sĩ,

Con bị đau bụng dưới bên trái, đau tới lưng luôn, như mắc rặn, khó xì hơi, hay bị rối loạn tiêu hóa, BS cho con hỏi con bị bệnh gì và khám ở đâu là tốt nhất? Con xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Đau ¼ bụng dưới bên trái có nhiều nguyên nhân, có thể do táo bón, u, polyp trực tràng, viêm trực tràng…tùy vào tính chất đau bụng và thăm khám lâm sàng mà có thể tìm ra nguyên nhân khác nhau.

Em nên đến khám BS Nội tiêu hóa để có thể tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị tốt hơn, em nhé.

- Vu Thi Chung - [email protected]

Xin chào bác sĩ,

BS cho em hỏi cách đây 2 tuần chị em có bị thủy đậu em đi chăm sóc chị mấy ngày. 2 hôm nay em thấy trên người nổi lên mấy vết hồng ngứa em chắc đã bị lây thủy đậu.

Em muốn hỏi BS em mới nổi 3 vết như vậy giờ có cách nào để nó chậm lại mấy ngày hay không? Vì mấy ngày nữa em có công việc quan trọng. Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,      

Trường hợp của em nên nhanh chóng đến khám BS Da liễu để xác định lại có chắc chắn nhiễm thủy đậu hay không. Trường hợp phát hiện sớm sang thương chưa nhiều có thể dùng thuốc ức chế virus để hạn chế các sang thương nổi nhiều hơn.

Chúc em mau khỏe.

- Nguyen Thu Ha - [email protected]

Xin chào bác sĩ,

Tôi làm xét nghiệm tổng quát tại viện Pasteur, kết quả chỉ số Neu là 69.6. Tôi muốn biết đây là chỉ số gì? Tôi phải điều trị như thế nào? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Kết quả xét nghiệm máu sẽ cho biết về số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu. Bạch cầu có nhiều loại, trong đó Neutropil (Neu) là một dạng bạch cầu. Nếu tổng số bạch cầu (WBC) không tăng và hiện tại không có triệu chứng thì Neu tăng nhẹ là không bất thường không cần phải điều trị, vì vậy bạn có thể yên tâm.

- Nguyễn Thị Ánh Dương - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Cổ họng tôi lúc nào cũng có đờm, phải khạc thường xuyên, lúc nào cũng có cảm giác vướng rất khó chịu. Tôi đi khám rất nhiều nơi đều nói tôi bị viêm hô hấp, rồi bị viêm hạch, nhưng tôi uống rất nhiều thuốc vẫn không hết đờm.

Đến nay đã 4 tháng vấn chưa khỏi. Tôi phải điều trị như thế nào? Mong BS tư vấn giùm. Xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Để nhanh chóng khỏi bệnh, nếu bạn có hút thuốc lá thì việc đầu tiên phải làm là ngưng thuốc lá, nếu vẫn tiếp tục hút thuốc bệnh sẽ không khỏi, ngoài uống nhiều nước cũng nên khò họng bằng nước muối, bổ sung vitamin C.

Tùy vào tính chất đàm, nếu có nhiễm trùng cần phải điều trị kháng sinh mới khỏi bệnh. Bạn có thể tái khám phòng khám nội hô hấp để có hướng điều trị tốt hơn.

Thân ái.

- Nnguyễn Nguyệt - [email protected]

Cháu chào BS Thu Cúc,

Cháu mới sinh con được 4 tháng nhưng vẫn chưa thấy kinh trở lại (sinh thường), cháu muốn kế hoạch bằng đặt vòng có được không hay phải có kinh lại mới đặt được ạ? Nếu cháu chưa có kinh lại thì quan hệ có thai không BS? Chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,   

Sau khi sinh con trong thời kỳ cho con bú chu kỳ kinh nguyệt có thể thất thường. Trường hợp của em vẫn có thể đặt vòng để việc tránh thai có hiệu quả.

Trong thời gian này do chu kỳ kinh bất thường nên nếu quan hệ không được bảo vệ em vẫn có thể mang thai.

- Tuấn Đặng - [email protected]

Chào bác sĩ,

BS cho em hỏi bệnh viêm gan B mạn tính có chữa được không? Nếu em không chữa mà kiêng cử kỹ thì bệnh có nặng thêm không ạ? BS cho em lời khuyên với. Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính là bệnh có thể chữa khỏi, tuy nhiên tỷ lệ thành công không cao.

Nếu có tình trạng viêm gan mạn tính do virus viêm gan B gây ra, có chỉ định điều trị thuốc đặc trị virus thì bắt buộc phải dùng thuốc, nếu không điều trị bệnh sẽ tiến triển nặng hơn dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Vì vậy theo tôi em nên điều trị để tránh biến chứng không mong muốn, em nhé.

- ThanhThuy - [email protected]

Thưa BS Thu Cúc,

Chồng em năm nay 50 tuổi, sức khỏe bình thường, nhưng khoảng 1 tháng nay hay bị chảy nước bọt rất nhiều (lúc nói chuyện, lúc ăn và cả những lúc chú tâm làm một việc gì đó). BS cho em hỏi đây là chịu chứng của bệnh gì? Xin cảm ơn và rất mong nhận được BS hồi âm từ BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

 Bạn có thể quan sát thêm sự thay đổi trên gương mặt của chồng bạn, nếu thấy méo miệng nhân trung lệch về 1 bên, kèm theo hiện tượng chảy nước bọt như trên thì có thể do liệt mạch gây ra (tổn thương dây thần kinh số 7).

Trường hợp này bạn có thể khuyên chồng đến khám BS chuyên khoa Nội thần kinh để tìm nguyên nhân và điều trị tốt nhất có thể.     

- Duong Thanh Đạt - [email protected]

Chào bác sĩ,

Vợ tôi xét nghiệm máu 2 nơi, 1 nơi bị hồng cầu nhỏ, còn 1 nơi bình thường. Còn tôi xét nghiệm 2 lần đều có chỉ số thấp hết. Vậy chúng tôi sẽ làm sau thưa BS? Cảm ơn BS.      

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Cảm ơn bạn vì câu hỏi gửi đến chương trình. Nếu được bạn vui lòng gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm máu của 2 vợ chồng để tôi có thể tư vấn tốt hơn.

Thân ái.

- Trần Thị Loan - [email protected]

Xin chào BS Thu Cúc,

BS cho cháu hỏi là sau khi sinh mổ khâu thẩm mỹ nếu rút chỉ không hết thì có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không ạ? Nếu đi siêu âm có phát hiện ra chỉ đó không ạ? Cháu xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,       

Nếu vẫn còn sót chỉ thì chỉ được xem như là vật lạ đối với cơ thể có thể kích thích gây phản ứng viêm hoặc mô xơ bao quanh. Trường hợp này có thể phát hiện bằng siêu âm, nếu lo lắng em có thể siêu âm kiểm tra. 

- Tran Van Dong - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Cháu muốn hỏi về bạch cầu trong máu của cháu tăng cao nên đến 17.000, mà cháu không cảm thấy cơ thể bị sao cả. Vậy BS cho cháu hỏi cháu nên điều trị như thế nào? Do cháu xin giấy khám sức khỏe để đi lao động nhưng thử máu 3 lần rồi vẫn không thấy bạch cầu giảm xuống. Hiện tại cháu cũng đang dùng thuốc ciprobay 500. Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,  

Trường hợp của em có bạch cầu tăng cao chứng tỏ trong cơ thể có tình trạng nhiễm trùng, tuy nhiên không biểu hiện triệu chứng. Em nên làm các xét nghiệm để tầm soát ổ nhiễm trùng như: X-quang phổi, siêu âm bụng, tổng phân tích nước tiểu, khám tai mũi họng.

Nếu không tìm được ổ nhiễm trùng có thể điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm. Thuốc ciprobay em đang dùng là 1 loại kháng sinh, liệu trình điều trị từ 5- 7 ngày, sau thời gian điều trị trên em có thể kiểm tra lại công thức máu. Tốt nhất em nên đến khám BS để được theo dõi tốt hơn.

- Nguyễn Thị Thanh Thủy - [email protected]

Thân chào bác sĩ,

Em hay bị đau vùng bụng, ăn hay ợ hơi, bụng hay kêu sôi ùng ục. Cho em hỏi là triệu chứng như thế là bị bệnh lí gì? Có cần đi nội soi dạ dày không? Và nội soi ở các cơ sở y tế hiện nay có đảm bảo không lây bệnh không ạ? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,         

Trong nội soi dạ dày, sau khi nội soi ống nội soi đều được ngâm trong dung dịch sát khuẩn trước khi sử dụng cho người tiếp theo để hạn chế lây bệnh.

Trường hợp của em có thể do rối loạn tiêu hóa, em nên chú ý đến vấn đề vệ sinh, bảo quản thức ăn. Em có thể đến khám BS Nội tiêu hóa để được kê toa điều trị, chưa cần thiết phải nội soi dạ dày.

Thân ái.

                                                                    
Đây là chương trình tư vấn sức khỏe phục vụ cộng đồng - hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates - Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.

Mời bạn gửi câu hỏi bằng 1 trong 3 hình thức sau:

+ Gửi câu hỏi thông qua hệ thống đặt câu hỏi của chuyên mục Khám bệnh online

+ Gửi đến email: [email protected]

+ Gọi điện thoại trực tiếp đến số 0976 328 725 hoặc 08 66 800 367 (từ 18 - 20h từ thứ 2 đến thứ 7).

Trân trọng,

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]