Phương pháp tạo nên sự khác biệt

(TT&VH) - Chúng ta đang tự hỏi, đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa 2 nền bóng đá VN và Singapore? Nhìn bề nổi thì sẽ rất dễ thấy, nhưng khi tường tận vấn đề, nó giống như canh bạc được – thua.

15.5753

Trước AFF Suzuki Cup 2008, Singapore là nhà vô địch Đông Nam Á 2 lần liên tiếp. Họ giành 3 chức vô địch trên tổng số 6 lần giải đấu này được tổ chức (từ 1998 – 2007), để cùng với Thái Lan thống trị làng bóng đá khu vực. Khi BĐVN lật trang sử mới của làng túc cầu giáo nơi này, cũng là lúc mà Singapore báo hiệu sự xuống cấp. Chính sách nhập tịch cầu thủ ngoại của Singapore được xem là tối ưu trước đây, thì bây giờ bị nhìn nhận là rất thiển cận. Nó không cho thấy tính dài lâu với cả một nền bóng đá.

Trong khi Singapore thăng hoa với hơn một nửa đội hình chính là cầu thủ nhập tịch, thì BĐVN tỉ mỉ với các con số cộng dồn, từ sản phẩm “made in Việt Nam” thuần túy. Và chúng ta đã thành công, khi biết chắt chiu, cóp nhặt. Với chiến tích được tạo dựng từ cái nền đào tạo trẻ ấy, BĐVN vẫn đầy cơ sở để tiến xa hơn, cao hơn, ít nhất là so với Singapore. Nhưng vẻ như lúc này, chúng ta lại đang có chiều hướng giẫm lên vết xe đổ của người láng giềng đảo quốc.

Sau Fabio Santos, đến lượt Kesley Alves, Maxwell, thủ thành Mykola, rồi Sakda, Nirut và tới đây nữa là Tshamala, Almeida, Amaobi, Philani…, đã và sẽ nhập tịch VN. Bỏ qua trường hợp của bộ đôi cầu thủ Thái, Sakda – Nirut, khi tiêu chí của 2 cựu tuyển thủ Thái Lan thuần túy là phục vụ CLB, nhưng các trường hợp còn lại thì khác đấy. HLV Calisto dự định sẽ tham khảo các ý kiến, để triệu tập Kesley Alves và Mykola lên tuyển, trong đợt tập trung lần này. Nếu xét ở khía cạnh chuyên môn thuần túy, thì những Tshamala, Maxwell, Almeida hay Philani cũng rất xứng đáng. Năm 2010, khả năng hơn nửa quân số đá chính trong màu áo ĐTVN là các cái tên ngoại, hoàn toàn có thể xảy ra. Và VN sẽ lại vô địch AFF Cup (như Singapore), sẽ có cơ hội ở giải đấu châu lục. Nhưng rồi gì nữa sau đỉnh vinh quang ấy? Sẽ lại giống Singapore như bây giờ, có thể lắm chứ.
 
Raddy Avramovic là công thần, và cũng là nạn nhân của bóng đá Singapore

Người Singapore bảo Raddy (HLV trưởng tuyển Singapore Avramovic) đã già cỗi và không còn giá trị sự dụng nữa (bằng chứng là khiến Singapore bị loại khỏi bán kết AFF Suzuki Cup 2008). Cũng vì thế mà Avramovic sẽ không nắm U23 Singapore dự SEA Games 25 (đấu trường mà Singapore đã khát danh hiệu từ nhiều năm nay) tại Lào vào tháng 12/2009. Nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về Raddy. Một phần nó là của các nhà làm bóng đá nước này.

Hôm gặp Avramovic tại Jalan Besar, nơi diễn ra trận đấu giữa Home United và B.BD, trong khuôn khổ AFF Cup 2009, người đàn ông gốc Nam Tư cũ tỏ ra rất thất vọng với cách hành xử của LĐBĐ Singapore (SFA). Hợp đồng giữa Raddy và SFA sẽ kết thúc vào năm sau. Không có những điều khoản ra hạn và nó ngầm được hiểu rằng, Raddy sẽ kết thúc tất cả tại đây. Singapore sẽ phải chấp nhận công cuộc làm lại theo một quy trình khác. Có thể họ thành công, có thể sẽ thất bại, nhưng nếu muốn theo kịp bóng đá VN hay Thái Lan trong tương lai gần, là điều cực khó.

Raddy Avramovic giống như một người thợ mộc, khi được người khác vất cho một đống gỗ rồi bảo làm cho họ cái bàn uống nước thật đẹp. Đừng biến thuyền trưởng ĐTVN – Henrique Calisto thành “Raddy 2.0” của Singapore. Hãy nghĩ xa hơn cái đích khu vực, và sức mạnh của Việt Nam phải từ chính người Việt Nam!
 
TÙY PHONG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]