Phương pháp tính Thuế thu nhập cá nhân

NDH - Luật thuế TNCN mới sẽ có tính thêm mức giảm trừ gia cảnh và bạn đã biết tính được mình sẽ bảo đóng bao nhiêu tiền thuế TNCN mỗi tháng? Bạn sẽ mang về nhà số tiền thực sự là bao nhiêu?

15.5836

Điều đầu tiên bạn quan tâm chắc chắn sẽ là đối tượng nào sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân (Personal Income Tax – PIT). Đó là những cá nhân cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài nước và những cá nhân không cư trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế phát sinh trong nước.

Khoản thu nhập nào sẽ phải chịu thuế? Tất cả thu nhập từ kinh doanh (bao gồm cho thuê nhà hay mặt bằng); tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư; chuyển nhượng vốn; bất động sản; trúng thưởng; bản quyền; nhượng quyền thương mại; nhận thừa kế, nhận quà tặng… đều phải chịu thuế.

Phần lớn thu nhập của người dân sẽ phải chịu thuế, tuy nhiên thu nhập được miễn thuế cũng có không ít. Đó là thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và nhận thừa kế quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ đẻ với con đẻ..., thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng; lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; kiều hối; tiền lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả ... Đặc biệt, nếu bạn gặp khó khăn do thiên tai hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể xin giảm thuế trong năm đó.

Luật thuế thu nhập cá nhân mới điểu chỉnh sẽ có các khoản giảm trừ, bao gồm giảm trừ BHXH và giảm trừ gia cảnh. Giảm trừ BHXH được tính dựa trên mức lương gộp (gross salary) hàng tháng của bạn và chia thành 2 loại.

Nếu lương gộp của bạn lớn hơn 20 lần lương công chức tối thiểu hiện nay là 540.000 đồng/tháng (tức là 540.000 x 20 = 10.800.000 đồng/tháng) thì mức giảm trừ bạn được hưởng là:
5% x 10.800.000 + 1% x mức lương gộp (trong đó 5% là BHXH và 1% là BHYT).

Còn nếu bạn có lương gộp thấp hơn 10.800.000 đồng/tháng thì mức giảm trừ của bạn là: 6 % x mức lương gộp.

Đối với giảm trừ gia cảnh thì mức giảm trừ cũng gồm 2 phần: bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Để cho dễ hiểu, bạn có thể xem ví dụ dưới đây:
Anh A có mức lương gộp (thu nhập chịu thuế) là 10.000.000 đồng/tháng, phải nuôi bố mẹ già và 1 con nhỏ (3 người phụ thuộc) thì mức thuế thu nhập cá nhân anh phải đóng sẽ được tính như sau:

Bước 1: Tính khoản giảm trừ: Y = a + b
Trong đó: Giảm trừ BHXH (a): 6% x 10.000.000 = 600.000 đồng/tháng
Giảm trừ gia cảnh (b): 4.000.000 + 1.600.000 x 3 = 8.800.000 đồng/tháng
Vậy Y = 600,000 + 8.800.000 = 9.400.000 đồng

Bước 2: Tính thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
= 10.000.000 – 9.400.000 = 600.000 đồng

Bước 3: Tính mức thuế thu nhập cá nhân phải đóng
Căn cứ vào biểu thuế lũy tiến từng phần thì anh A phải đóng: 600.000 x 5% = 30,000 đồng.

Vậy lương thực nhận (Net Salary) của anh A mỗi tháng là:
10.000.000 – 600.000 – 30.000 = 9.370.000 đồng

Như vậy, có thể thấy thuế thu nhập cá nhân khá ưu ái cho những người làm công ăn lương, đặc biệt là những ai có nhiều người phụ thuộc (chẳng hạn con đẻ, con nuôi còn đi học hoặc cha mẹ già không còn khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng). Sau khi giảm trừ gia cảnh thì số thuế họ phải nộp không quá cao. Điều này sẽ đánh tan sự lo lắng lâu nay của nhiều người là nộp thuế xong thì họ cũng “trắng tay”.

Ở các nước phát triển, bất cứ ai có thu nhập cũng đều phải nộp thuế. Người dân đã quá quen với khái niệm thu nhập sau thuế nên họ không còn băn khoăn về thuế thu nhập cá nhân nữa. Ở Việt Nam thì khái niệm này còn khá mới, nên khi áp dụng luật thuế thu nhập cá nhân chắc chắn sẽ phát sinh một số vấn đề trong thời gian đầu. Nhiều người có thể bị "sốc" khi nhận ra số tiền thực sự mình có thể nhận được sau thuế. Tuy nhiên, về lâu dài mọi người sẽ dần quen và xem đóng thuế thu nhập cá nhân như nghĩa vụ và quyền lợi để xã hội ngày một văn minh.
 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]