Phương thức mới chữa trị các bệnh nan y

Đó là những bạch cầu đã được trang bị thêm một chiếc "chìa khóa", có thể thoải mái thâm nhập vào tận bên trong tế bào mang mầm bệnh mà tấn công mục tiêu.

0
Giới y học đang tràn trề hy vọng vào một phương thức mới chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo.

Trang bị "chìa khóa vạn năng" cho bạch cầu chữa bệnh
 
Liệu pháp truyền bạch cầu (tức tế bào miễn dịch) vào trong cơ thể để chữa bệnh không phải là một phát minh mới, cho đến nay đã có hơn chục cách chữa bệnh bằng bạch cầu được chính thức phê duyệt áp dụng trên người. Đây là liệu pháp sử dụng tế bào miễn dịch để tấn công và tiêu diệt các tế bào mang mầm bệnh. Các tế bào bạch cầu chữa bệnh được cho bởi những người tình nguyện (bạch cầu được lấy bằng cách tách ra từ máu, người cho bạch cầu sẽ không bị mất những thành phần khác của máu). Thông thường, phạm vi hoạt động của các tế bào miễn dịch này chỉ giới hạn ở bề mặt tế bào, trong khi đa số các phần tử gây bệnh đều ẩn sâu ở bên trong tế bào. Trong một số trường hợp, các bạch cầu còn có thể bị tế bào nuốt chửng ngay khi vừa bám vào protein trên bề mặt tế bào. Tuy nhiên, tình thế này sẽ bị đảo lộn khi mới đây, các nhà khoa học Canada công bố đã phát minh ra những bạch cầu "thông minh" có khả năng chinh phục màng tế bào và tấn công vào tận bên trong tế bào để truy tìm và tiêu diệt vi khuẩn, virut gây bệnh. Tạp chí New Scientist dẫn lời các chuyên gia cho biết: phát minh này đã mở ra một hướng đi lạc quan trên con đường nỗ lực chiến thắng bệnh tật, nhất là các loại bệnh nan y, trong đó có ung thư, nhồi máu cơ tim, AIDS... của nhân loại.
 
Bạch cầu thông minh có thêm "chìa khóa" để ra vào tế bào một cách dễ dàng.

Ý tưởng mang tính sáng tạo của các nhà khoa học Canada là trang bị cho các bạch cầu chữa bệnh một chiếc "chìa khóa" hóa chất, khiến chúng trở thành những bạch cầu "thông minh", có thể dễ dàng mở cánh cửa màng tế bào mà thâm nhập vào bên trong để truy lùng mục tiêu. Đóng vai trò "chìa khóa" là một đoạn protein ngắn có tên MTS (tức chuỗi hoán vị màng - membrane trenslocating sequence). MTS thường xuất hiện trong các protein báo hiệu được phép vào tế bào (chẳng hạn nhân tố tăng trưởng). Trong một số thí nghiệm, người ta đã liên kết được MTS vào những protein khác nhau và cũng chứng minh được rằng nếu gắn đoạn MTS với bất kỳ protein nào thì protein đó đều được phép lọt vào bên trong tế bào. TS. Charles Morgen, Chủ tịch Công ty Công nghệ Sinh học In-Nexus (Canada) - nơi sáng chế ra bạch cầu thông minh, cho biết: "Các thử nghiệm trên một bạch cầu có gắn "chìa khóa" (được đánh dấu bằng huỳnh quang) cho thấy, chúng có thể xâm nhập vào tất cả các tế bào và chỉ dừng lại ở những tế bào ẩn chứa mục tiêu tấn công của chúng. Các bạch cầu thông minh này cùng với lượng kháng thể nó mang theo có thể sống sót trong cơ thể người trong vòng 30 ngày và có "đặc quyền" ra vào mọi tế bào, lùng sục cho đến khi tìm ra đối tượng cần tiêu diệt".

Sức mạnh của những "chiến binh thế hệ mới"
Như đánh giá của TS. Morgen, ưu điểm lớn nhất của bạch cầu thông minh là chúng có khả năng "đánh" thẳng vào bên trong tế bào. "Đa số mục tiêu quan tâm trong trị liệu nhiều loại bệnh nan y hiện nay đều nằm ở bên trong tế bào - TS. Morgen cho biết. Chẳng hạn với AIDS, virut HIV chỉ hoạt động và phá hoại ở bên trong tế bào. Hay các protein bất thường biến tế bào thành ung thư cũng vậy, chúng ẩn nấp giữa các phân tử trong tế bào". Liệu pháp sử dụng bạch cầu thông minh có thế mạnh vượt trội ở tính linh hoạt và chuyên biệt so với những kháng thể thông thường và phân tử thuốc. Vì vậy mà chúng có thể tiêu diệt được mầm bệnh ngay cả khi mầm bệnh ẩn náu ở nhưng góc sâu khuất nhất của tế bào. Không chỉ có thế, các bạch cầu thông minh còn biết tiêu diệt mục tiêu một cách có chọn lọc, không động chạm gì đến những tế bào khỏe mạnh. Nhờ tính năng thông minh này, chúng có công hiệu lớn hơn nhiều so với thế hệ thuốc chữa bệnh phân tử hiện nay đang sử dụng và đặc biệt là hạn chế được tối đa các tác dụng không mong muốn. Song cũng vì thế mà điểm yếu lớn nhất của các bạch cầu thông minh là không thể sống sót trong dạ dày được, buộc người ta phải tiêm chúng trực tiếp vào vùng bệnh.

Từ thành công của phương pháp trên, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại siêu bạch cầu, có khả năng vây bắt, "khóa tay" và vô hiệu hóa enzym kaspaza 3 - một enzym nằm sâu trong tế bào và là thủ phạm dẫn đến cái chết tự vẫn của tế bào. Bởi đã bị "khóa tay", enzym trên không thể "phá phách" khiến cho tế bào phải tự hủy diệt, vì vậy mà tế bào vẫn sống và hoạt động bình thường. Theo các chuyên gia của InNexus, phương pháp này có thể sẽ được áp dụng trong nỗ lực bao vây sự "tự vẫn" của tế bào bệnh nhân - thí dụ - sau nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.

Sự ra đời của liệu pháp bạch cầu thông minh cũng vấp phải sự nghi ngờ của một số nhà nghiên cứu. "Rất nhiều công trình nghiên cứu đã cố gắng tìm cách giữ cho kháng thể ổn định trong môi trường tế bào" - GS. Andrew Brasury đến từ Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, New Mexico, nói. Tuy nhiên, TS. Morgen lập luận rằng sự ổn định của bạch cầu hoàn toàn phụ thuộc vào cách nó xâm nhập tế bào. Những kháng thể bạch cầu thông thường đã bị một cấu trúc gọi là hạt cơ quan nội bào tiêu diệt trong khi đang mải đuổi bắt phần tử gây bệnh trên bề mặt tế bào. Trong khi đó, các bạch cầu thông minh khi tiếp cận tế bào đã chui ngay vào sâu bên trong tế bào. Vì thế, chúng rất khó bị hạt cơ quan nội bào tiêu diệt.
 
Theo Sức khỏe và đời sống

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]