Phượt dạy cho con tính tự lập

Chú Phan Văn Sáng - cán bộ Viện chiến lược Quốc phòng - cho rằng, những chuyến đi phượt sẽ giúp các bạn trẻ khám phá bản thân, trở nên kiên cường, rắn rỏi hơn và có tính tự lập cao. Bên cạnh đó các bạn sẽ có tinh thần tập thể hơn và biết trân trọng tình cảm với nhau hơn.

Chú Sáng cũng chia sẻ, đôi khi, phượt cũng được coi là lối thoát cho stress (căng thẳng), giúp tìm ra chân lý sống và để thử thách con người, nhất là các bạn trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết.

Cô Đặng Thị Nguyên, 58 tuổi, là cán bộ nghỉ hưu hiện đang sinh sống lại phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội. Cô Nguyên chia sẻ có con trai rất ham mê xê dịch và thường xuyên tổ chức những chuyến đi xa cùng bạn bè. Là một người mẹ, cô Nguyên không khỏi lo lắng trước những chuyến phượt mạo hiểm của con nhưng luôn ủng hộ con trai mình.

Cô Nguyên cho biết: “Trào lưu phượt của giới trẻ hiện nay là đi để mở mang tầm nhìn và biết được cuộc sống ở vùng sâu vùng xa như thế nào. Qua những chuyến đi như thế, các cháu sẽ được rèn luyện tính chủ động, tự lập. Phải trải qua khó khăn thì các cháu mới trưởng thành hơn và cố gắng làm sao để cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Theo các chuyên gia tâm lý, dạy cho con tính tự lập qua các chuyến đi phượt rất hiệu quả bởi thực tế hiện nay cha mẹ quá bao bọc con, luôn có tâm lý lo sợ “con không làm được, con mệt”.

Để giảm lo lắng cho bản thân, cha mẹ có thể đi cùng con như một người đồng hành chứ không phải một người bảo hộ sẽ khiến con cảm thấy bị giám sát và không thoải mái. Những chuyến đi như vậy sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, giúp cha mẹ khám phá được những khả năng của con và nhận thức rằng không nên áp đặt suy nghĩ của mình cho con cái.

Ở độ tuổi học cấp 3, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tự tổ chức các chuyến đi mà không cần có người lớn đi cùng. Tất nhiên, cha mẹ nên tham gia định hướng cho con như chọn địa điểm nào cho an toàn, xem xét chuyến đi đó sẽ mang lại những bài học gì cho con… Song, cha mẹ hãy để con trẻ tự quyết định chuyến đi của mình, đôi khi có thể con sẽ học được từ chính sai lầm của bản thân. 

 Các bậc phụ huynh ủng hộ con cái đi phượt để rèn tính tự lập.

Phượt để “hành xác

Mặc dù ủng hộ con cái tham gia những chuyến phượt nhưng các bậc phụ huynh cũng lo ngại rằng, không ít bạn trẻ tìm đến những chuyến đi là để trốn tránh thực tại, là một cách để “hành xác”.

Chú Sáng chia sẻ: “Những người thích “phượt” đa phần là những người trẻ tuổi, có lối sống hiện đại và thích khám phá, tìm hiểu cái mới cái lạ và đôi khi là muốn thử thách chính bản thân.

Nhưng không ít người lại coi đó là sự hành xác hoặc chạy chốn thực tại cuộc sống. Không ít bạn trẻ thành phố hiện nay coi “phượt” là sành điệu, là một cách để khẳng định bản thân, họ coi “đi phượt” như một hình thức để chạy trốn cuộc sống căng thẳng, chán chường trong gia đình”.

Chú Sáng nhấn mạnh rằng, phải coi “phượt” không phải một sự hành xác hay trốn tránh cuộc sống, mà thực sự là một quá trình tìm hiểu, khám phá, tích lũy văn hóa, đạo đức, lối sống…

Chú Nguyễn Văn Nam (Từ Liêm, Hà Nội) cũng đồng tình rằng, một số bạn trẻ biến “phượt” trở thành một hình thức để chạy trốn cuộc sống căng thẳng, chán chường, đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đề cập tới vụ việc một nữ sinh viên tử vong trên đường phượt Hà Nội - Mộc Châu những ngày gần đây, các bậc cha mẹ có chút quan ngại và chia sẻ, nên hướng con cái vào những cuộc du lịch ngắn, mang tính nghỉ ngơi, tìm hiểu về quê hương, đất nước vào kỳ nghỉ hè hay nghỉ lễ, nhưng vẫn khẳng định sẽ ủng hộ con cái đi phượt khi đã được chuẩn bị chu đáo và giữ chủ động để tránh những bất trắc trong hành trình.