Polyp đại tràng có trở thành ung thư?

Polyp đại tràng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không cuống, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành.

15.5976

(SKDS) - Polyp đại tràng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không cuống, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Đây là căn bệnh khá thường gặp. Nếu xác định rõ và loại bỏ những polyp bằng thủ thuật cắt polyp qua nội soi kịp thời sẽ làm giảm thiểu đáng kể nguy cơ polyp trở thành ung thư. Vậy làm thế nào để biết mình có bị polyp đại tràng? Polyp đại tràng có thể thành ung thư hay không? Báo SK&ĐS xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về căn bệnh này.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Biểu hiện nghèo nàn

Polyp đại tràng có thể nhỏ bằng hạt đậu và có thể lớn như quả bóng bàn. Những khối u nhỏ thường không gây triệu chứng gì và chỉ được phát hiện khi thăm trực tràng. Bệnh thường diễn biến âm thầm và hay gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau. Bệnh nhân có thể có những triệu chứng:

Đi ngoài có máu: Đây là triệu chứng hay gặp nhất, là điều kiện đầu tiên để nghi ngờ mắc. Có thể thấy máu đỏ tươi dính trên giấy vệ sinh sau khi đi ngoài hoặc phân có máu màu nâu, đặc biệt khi phân mềm mà có máu - là dấu hiệu phân biệt với những bệnh khác như trĩ hoặc rách hậu môn.

Đi ngoài phân lỏng: Khi polyp nằm ở vị trí trực tràng thấp, sát với hậu môn, nhất là khi polyp to, bị viêm có thể gây hội chứng ruột kích thích khiến bệnh nhân đi ngoài nhiều lần trong ngày, đau quặn và có cảm giác mót rặn nên dễ chẩn đoán nhầm với kiết lỵ.

Đau bụng: Có trường hợp polyp quá lớn gây triệu chứng bán tắc ruột hoặc tắc hoàn toàn, khi đó biểu hiện rất điển hình của cơn đau do tắc ruột: ngoài đau bụng còn kèm theo nôn và bí trung, đại tiện.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không thấy triệu chứng nào kể trên nhưng vẫn có thể có polyp ở đại trực tràng. Vì vậy, cần hết sức chú ý những trường hợp bệnh nhân trước đây đã từng mắc polyp hoặc trong gia đình có người mắc polyp.

Polyp đại tràng thường được phát hiện khi kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư, hoặc sau khi xét nghiệm phân thấy có máu ẩn. Polyp đại tràng cũng có thể được phát hiện bằng phương pháp chụp đại tràng cản quang. Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng vì nó giúp quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và cắt polyp nếu phát hiện ra chúng. Bề mặt polyp có thể tương tự niêm mạc đại tràng bình thường hoặc có thể thay đổi về màu sắc, loét hoặc chảy máu. Nội soi đại tràng còn là phương pháp tốt nhất để theo dõi sự phát triển của các polyp.

Một số kỹ thuật mới nhiều triển vọng để tầm soát và phát hiện polyp bao gồm: xét nghiệm phân tử gen (molecular genetic tests), nội soi đại tràng ảo (virtual colonoscopy) sử dụng công nghệ MSCT hoặc MRI.

 Nên bổ sung ngũ cốc và rau quả phòng ngừa polyp đại tràng.
Ai dễ bị polyp đại tràng?

Có thể nói polyp đại tràng là kết quả sự tăng sinh bất thường của tế bào. Bình thường quá trình tăng sinh tế bào chịu sự kiểm soát của 2 nhóm gen: nhóm gen gây ung thư và nhóm gen ức chế khối u. Đột biến ở bất kỳ gen nào trong số này đều có thể khiến cho tế bào phân chia quá mức. Ở đại tràng và trực tràng, sự tăng sinh này sẽ tạo thành những khối polyp và về lâu dài một số polyp có thể trở thành ung thư.

Polyp rất thường gặp ở cả nam lẫn nữ. Điều này cho thấy, các nhân tố dinh dưỡng và môi trường có thể đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của chúng.

Lối sống và chế độ ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, ăn ít chất xơ, ít vận động, hút thuốc và béo phì, bị viêm đại trực tràng mạn tính... có thể được xem như một yếu tố nguy cơ hàng đầu. Kế đến là tuổi tác vì ung thư đại trực tràng hiếm gặp trước tuổi 40. Có đến 90% các trường hợp xảy ra sau tuổi 50, tỷ lệ nam nữ bằng nhau, do đó nên khám tầm soát ung thư đại tràng khi đến tuổi 50. Bên cạnh polyp và ung thư đại tràng thường xảy ra trong cùng một gia đình, điều này cho thấy nhân tố gia đình cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng.
 
Vì vậy, nên tầm soát ung thư đại tràng sớm hơn nếu có tiền sử polyp hoặc ung thư đại tràng trong gia đình. Ngoài ra, một số bệnh di truyền hiếm gặp cũng có thể gây ung thư đại trực tràng sớm với tần suất cao: đa polyp tuyến gia đình (Familial Adenomatous Polyposis - FAP) với rất nhiều polyp trong đại tràng và ung thư đại tràng di truyền không do polyp (Hereditary Non - Polyposis Colon Cancer - HNPCC) có gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng nhưng lại không thấy có nhiều polyp.
 Hình ảnh polyp đại tràng.
Điều trị và phòng bệnh thế nào?

Hiện nay, phương pháp nội soi ống mềm đại trực tràng được ứng dụng rộng rãi, là biện pháp tốt để phát hiện sớm và loại bỏ các polyp, góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ ung thư hóa. Ở nước ta, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Trong trường hợp có nhiều polyp hoặc polyp gây biến chứng có thể được chỉ định phẫu thuật.

Polyp đại tràng cần được cắt bỏ để ngăn ngừa ung thư. Những khối u nhỏ có thể được cắt qua soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma. Những khối u lớn hoặc khó có thể cần phẫu thuật mở ổ bụng. Trong một số trường hợp bị hội chứng polyp đại tràng có tính gia đình, có thể phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng.

Để phòng bệnh, cần có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Chú ý ăn đủ lượng canxi, ăn nhiều rau quả, ngũ cốc; hạn chế mỡ và rượu, bỏ thuốc lá; thường xuyên luyện tập thể dục và duy trì cân nặng bình thường. Những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng nên làm xét nghiệm gen và đi khám sàng lọc định kỳ. Một số liệu pháp đã được chứng minh có thể làm giảm nguy cơ mắc polyp cũng như giảm tỷ lệ polyp tiến triển thành ung thư: liệu pháp hormon, thuốc aspirin, canxi, axít folic và vitamin B6. Tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ.        

BS. Nguyễn Thị Phương Anh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]