Quần áo giá rẻ: dễ mua, dễ mặc và… dễ bệnh

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, giá cả leo thang chóng mặt, thói quen mua hàng của đại đa số người đang dần thay đổi, quần áo giá rẻ lên ngôi.

0
 Tuy nhiên, đi kèm với nó là những ẩn họa khó lường….

Vỉa hè, chợ, cửa hàng… đâu cũng có quần áo giá rẻ

Khu vực quanh chợ Bà Chiểu, Chợ Tân Bình, Bàu Cát… TPHCM quần áo giá rẻ được bày thành đống hoặc trên những sạp hàng di động.… thường được nhận biết bằng những tấm biển hiệu thu hút khách như giá 10.000-30.000 đồng hay "thanh lý", "sale off"…

Quần áo giá rẻ đang ở thời kỳ hoàng kim nhất của nó. Sở dĩ như vậy vì nó đáp ứng được nhu cầu của người mua, từ kiểu dáng, kích cỡ, cho đến giá cả…

Anh N.T, chủ một sạp hàng quần áo cũ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TPHCM cho tôi biết, thường thường những hàng còn mới, kiểu dáng mẫu mà đẹp, sẽ được xếp vào loại 1. Tuy nhiên, giá của nó cũng ít khi vượt ngưỡng 100.000đ/ sản phẩm, mức giá thường là 70.000đ, 80.000đ.

Còn đối với loại 2, loại 3, đôi khi chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng đến 30.000 đồng, khách đã có thể mua được một chiếc áo, váy. Đây là mức giá quá rẻ trong bối cảnh hàng hóa tăng mạnh như hiện nay. N.T không quên tiết lộ, mỗi tối anh bán được cả trăm sản phẩm là chuyện bình thường.

Và nguy cơ truyền nhiễm

Trước ma trận tràn lan của quần áo giá rẻ, không ít người mua đặt dấu hỏi chấm về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này.

Trước những thắc mắc đó, các chủ cửa hàng chỉ nhăn mặt mà rằng: "Hàng bèo thế này, bán giá như cho không, hỏi xuất xứ làm gì? Thích xuất xứ thì vào shop mà mua".

Cũng chính vì không rõ nguồn gốc nên người mặc dễ bị các bệnh truyền nhiễm từ mặt hàng này. Một trong các tác nhân chính khiến quần áo giá rẻ gây bệnh cho người mặc là nấm, rận và hóa chất.

Thạc sĩ tâm lý học Huỳnh Lâm Anh Chương, giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM khuyến cáo: "Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên mặc quần áo mới. Nếu dùng đồ cũ thì nên đem luộc để tiêu diệt hết trứng và rận, sau đó phơi ngoài nắng. Tránh việc bắt chước nhau đi mua quần áo cũ mà không biết chất vải có vệ sinh hay không và không nên giặt đồ sơ sài giúp mầm bệnh từ nấm có điều kiện phát triển gây bệnh".


Chị T.Loan, nhà ở đường Trương Định, Q.3, TPHCM cho đến giờ vẫn chưa hết hoảng hốt. Tháng trước chị mua được bộ váy bắt mắt bày bán trên vỉa hè giá chỉ có 120 ngàn đồng. Quá ưng ý với sự lựa chọn của mình, ngay hôm sau chị đã diện bộ váy mới đi làm.

Dù chất vải mềm, độ bó vừa phải và chị lại làm việc trong phòng điều hòa mát lạnh nhưng không hiểu sao đến trưa chị lại bị nổi mẩn ngứa quanh bắp tay, quanh vùng cổ kèm theo cảm giác nóng bức. Nhớ lại lúc trưa ăn cơm có món cá biển, chị T.Loan vội cho đó là nguyên nhân gây mẩn ngứa.

Thế là chị mua tuýp thuốc chống dị ứng bôi ngoài da cho đỡ. Thế nhưng càng về chiều, các vết mẩn ngứa của chị càng lan rộng và nóng rát. Mãi sau khi tan làm về nhà tắm rửa, chị mới hết bị ngứa.

Quá sợ trận ngứa, những hôm sau chị T.Loan không dám ăn đồ biển. Yên lành được mấy ngày chị lại tiếp tục bị nổi mẩn ngứa như lần trước.

Chị đã rất ngạc nhiên vì lần này chị chẳng đụng đến tí đồ biển nào, duy chỉ có chiếc váy mới mua chị đang mặc trên người là trùng hợp với lần ngứa đầu. Không biết mình bị gì, chị T.Loan nghe theo lời đồng nghiệp đến BV Da liễu khám. Tại đây, chị T.Loan sững người khi được bác sỹ chuẩn đoán bị dị ứng do… chiếc váy mới.

Chị T.Loan cũng được biết những trường hợp bị dị ứng do đồ vỉa hè đến khám tại đây khá đông. Nếu chị chỉ bị dị ứng do hóa chất tẩy trắng còn vươn trên váy thì chuyện mang bệnh vì quần áo cũ của chị T. Hằng còn "lâm li" hơn.

Chị T. Hằng đang mang bầu 8 tháng, đã tá hỏa khi bác sỹ phát hiện chị nổi những nốt sùi ở vùng kín có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi và không thể sinh thường mà phải mổ. bác sĩ khẳng định đây là bệnh chỉ lây qua đường tình dục, hoặc dùng chung quần áo với người có bệnh khiến chị T. Hằng choáng váng. Tức khí, chị về nhà quát ầm và bắt chồng đi khám.

Tuy nhiên, anh chồng chi T.Hằng cứ một mực khẳng định không hề tòm tem bên ngoài bao giờ. Để vợ yên lòng, anh cũng đến BV Da liễu khám, và mang về kết quả "zêrô" to đùng chứng minh cho vợ thấy. Đến nước này, chị T.Hằng phải đi tái khám mấy bận mới tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

"Bác sĩ sau khi cân nhắc hết các khả năng đã cho rằng có thể tôi bị lây bệnh khi mặc quần áo hàng thùng vì quả thật trước đây tôi rất thích tìm hàng này cho độc đáo, lại rẻ. Khi mình mang thai, sức đề kháng yếu đi là cơ hội cho vi rút phát triển tấn công", chị Hằng thừa nhận.

BS Lê Cao Thắng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM cho biết: "Do được treo bán trên đường phố đầy bụi bặm, cộng với việc sử dụng các loại thuốc tẩy cực mạnh để làm mới quần áo cũ, đồ vỉa hè sẽ trở thành môi trường tốt cho các loại nấm và vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Chúng sẽ ký sinh trên quần áo trôi nổi, khi mặc vào, chúng dễ dàng xâm nhập qua da, ký sinh trên cơ thể người, gây các chứng bệnh truyền nhiễm nơi vùng bẹn, da đầu, và toàn thân. Trong trường hợp bị dị ứng ngứa vì quần áo cũ mà không được tư vấn, chạy chữa kịp thời người bệnh có thể mắc phải các bệnh viêm nhiễm nặng dẫn đến nhiễm trùng máu, vô sinh...".

Ảnh hưởng của những hóa chất độc hại

Bên cạnh việc gây nên nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm, thì việc quần áo giá rẻ trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, mà phần lớn là hàng Trung Quốc, cũng đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc khá lớn. Không ai dám chắc những bộ quần áo giá rẻ kia đã được kiểm định hay đã trải qua các "công nghệ" tẩm, ướp, bảo quản trước khi được tung ra bày bán trên thị trường.

Tính đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra 2 loại hóa chất chính thường được dân buôn quần áo cũ sử dụng để giặt tẩy làm sạch hàng đó là formadehyde và chất nonylphenol ethoxylates (NPE).

Cón nhớ cách đây không lâu, thông tin gần một nửa mặt hàng quần áo và một phần ba số đồ dùng cho trẻ em được sản xuất tại Quảng Đông có chứa chất formadehyde đã gây xôn xao dư luận thế giới về độ độc hại của nó.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, chất formaldehyde hay được sử dụng để ướp xác các mẫu động vật trong nghiên cứu vì nó có chức năng tiêu diệt tế bào và vi sinh vật. Riêng với ngành dệt may, formaldehyde thường được sử dụng với mục đích chống mốc và vi sinh vật khi vận chuyển. Tuy nhiên, tác hại của hóa chất này được coi như là một trong những tác nhân gây nên ung thư, thường có biểu hiện ở ngoài da như mẩn ngứa, nóng rát…

Đối với hóa chất nonylphenol ethoxylates (NPE), trong một công bố Tổ chức Bảo vệ Môi trường Greenpeace cho biết, đây là hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản đã được phát hiện trong các sản phẩm quần áo được sản xuất chủ yếu tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia…

NPE là hóa chất sử dụng tẩy rửa trong sản xuất hàng dệt tự nhiên và tổng hợp. Khi đổ ra tự nhiên, chất này chuyển thành nonylphenol (NP), sản phẩm phụ có độc tính cao. Bà Li Yifang, nhà vận động Greenpeace, nhấn mạnh: "Nonylphenol là chất phá vỡ tính cân đối của hormone trong vật thể sống, có khả năng tích tụ bền vững, đe dọa khả năng sinh sản và gây ung thư".

Lời khuyên

- Khi mua quần áo cũ hoặc hàng không rõ nhãn mác, xuất xứ, bạn nên giặt tẩy mạnh, nhúng qua nước sôi… trước khi sử dụng đến.

- Để phòng tránh bệnh tật lây nhiễm, hoặc ảnh hưởng của hóa chất từ quần áo cũ, trước khi sử dụng, nên giặt qua bằng xà bông có chất tẩy mạnh. Sau đó, phơi ngoài nắng lớn cho thật khô, rồi dùng bàn ủi ủi lại.

- Nếu cẩn thận hơn, bạn nên nhúng nước sôi quần áo trước hoặc sau khi giặt xong rồi mới đem phơi. Giặt giũ quần áo càng kỹ, càng giúp tận diệt triệt để các tác nhân gây bệnh đang trú bám trên đó.

Theo Minh Hải - Sức khỏe gia đình

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]