Quan Điểm Đầu Tư: "Voi Không Phi Nước Đại"

Một trong những cuộc tranh luận nảy lửa nhất trong giới đầu tư là liệu đầu tư vào những công ty lớn nhất, dẫn đầu thị trường hay những công ty nhỏ hơn nhưng tăng trưởng nhanh thì tốt hơn? Lịch sử của những tranh luận này cũng kinh điển không kém những phân định muôn thuở giữa rủi ro và lợi nhuận trong đầu tư.

15.5943

 

"Voi không phi nước đại"

Bạn đã bao giờ thấy một chú voi “phi nước đại” chưa? Chắc hẳn là chưa rồi. Hình ảnh những chú voi nặng nề di chuyển chậm chạp, thong thả có vẻ như quen thuộc hơn. Trong đầu tư người ta thường nói "voi không phi nước đại" với ngụ ý rằng các công ty lớn rất khó có thể tăng trưởng với tốc độ “phi mã”. Quan điểm này cho rằng, nếu muốn thắng lớn trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nên tìm đến các loại cổ phiếu tăng trưởng của những công ty nhỏ, thay vì cổ phiếu “ăn chắc mặc bền” của  các “ông voi”.

Thế nào là công ty quy mô nhỏ?

Trước tiên có thể dựa vào tiêu chí quy mô vốn hóa thị trường. Đương nhiên, bản thân chỉ tiêu vốn hóa thị trường cũng không phải là một chỉ tiêu cứng nhắc và bất biến. Giả như một công ty AIM nào đó được đưa lên tờ Sunday, và giá cổ phiếu của nó bỗng nhiên tăng 30%, thì đó có thể là một bước nhảy vọt qua ranh giới của những con số. Chỉ sau một đêm, một công ty có thể từ quy mô nhỏ trở thành một công ty quy mô vừa, cho dù doanh số, thu nhập của nó thì không có gì thay đổi.

Một số nhà phân tích khác lại cho rằng quy mô vốn hóa thị trường không hẳn đã là một thước đo tốt để đánh giá xem một công ty là lớn hay nhỏ. Một công ty kinh doanh trực tuyến có thể có quy mô vốn hóa thị trường 500 triệu USD, nhưng nếu doanh số của nó chỉ đạt $193.000 và thua lỗ đầm đìa, liệu nó có thực sự là một công ty lớn hay không? Theo quan điểm này, để xác định thế nào là công ty nhỏ hãy tạm quên đi chỉ tiêu quy mô vốn hóa thị trường và, thay vào đó, tập trung vào những đặc điểm thường gắn với những công ty loại này, đó là:

  • Thiếu vắng các hoạt động nghiên cứu
  • Cổ phiếu có mức chênh lệch giá bán - mua rất rộng
  • Tính thanh khoản thấp

Đây có vẻ như là một cách nhìn khá tiêu cực nhưng lại thực tế về các công ty quy mô nhỏ.

Tại sao lại chọn công ty nhỏ?

Khả năng đem lại tỉ suất suất lợi nhuận cao

Lựa chọn được đúng các công ty nhỏ để đầu tư có thể đem lại tỉ suất lợi nhuận cao gấp nhiều lần thị trường. Tăng gấp 3 lần doanh thu và lợi nhuận với một công ty nhỏ dễ dàng hơn nhiều so với một công ty tầm cỡ, đơn giản vì các công ty nhỏ bao giờ cũng có quy mô ban đầu nhỏ bé hơn, xuất phát điểm thấp hơn.

Dễ phân tích

Các công ty nhỏ bao giờ cũng dễ phân tích hơn, bức tranh tổng thể dễ nắm bắt hơn. Sẽ có ít cơ hội cho những gian lận về mặt sổ sách kế toán, và nếu đó lại là một công ty có hoạt động đơn giản, ở một quốc gia duy nhất thì cũng không có chỗ cho những màn “phù phép” thông qua sự đánh đổi tỷ giá.

Không được giới đầu tư chuyên nghiệp để ý

Các tổ chức đầu tư thường hướng sự tập trung nghiên cứu của họ và những công ty có quy mô lớn tầm từ 500 triệu USD trở lên. Các khách hàng của họ thường giao dịch với khối lượng lớn, điều không thể làm được với một công ty nhỏ và bản thân các quĩ bao giờ cũng thích sở hữu các cổ phiếu dễ mua đi bán lại. Vì lý do này mà các công ty nhỏ thường ít được ngó ngàng tới, bỏ ngỏ cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên khả năng đem lại lợi nhuận cao bao giờ cũng đi kèm với rủi ro cao. Giá cổ phiếu của các công ty nhỏ thường biến động rất mạnh. Sự chiếm lĩnh thị trường của các nhà đầu tư có tổ chức và sự ưa chuộng mà họ dành cho các công ty lớn cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu với cổ phiếu của các công ty nhỏ không cao. Do đó, nhìn chung các cổ phiếu nhỏ thường bị đánh giá thấp hơn bình quân thị trường và tính thanh khoản thường kém hơn.

Cổ phiếu tăng trưởng có nhất thiết phải là cổ phiếu nhỏ?

Lật ngược lại vấn đề trên, liệu những con số phát triển kiểu như 100 % một năm chỉ có ở những công ty nhỏ? Không hẳn vậy, vì cổ phiếu của Coca Cola đã tăng giá 4 lần trong giai đoạn 1988 đến 1991. Cổ phiếu của WPP, hãng quảng cáo lớn của Anh cũng tăng từ 202p vào 10/1998 lên 1068p vào 2/2000 - với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 103.8%. Do vậy câu "voi không phi nước đại" nên được điều chỉnh lại thành "voi hiếm khi phi nước đại".

Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là ở Việt Nam, hình như “chỉ voi mới phi nước đại”? Nếu lướt qua sàn HoSTC hàng ngày, chúng ta có thể thấy những “voi” như FPT, BMC, SJS rất thường xuyên xuất hiện trong danh mục thống kê những cổ phiếu biến động nhiều nhất. Thực ra thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá non trẻ, nên ngay cả những cổ phiếu được mệnh danh là “bluechip” cũng chưa đạt đến đẳng cấp xứng đáng để được coi là “voi” thực sự. Hơn nữa, một phần không nhỏ nhà đầu tư Việt Nam vẫn chạy theo phong trào, theo tâm lý số đông. Sẽ còn phải mất một thời gian nữa để thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào ổn định, khi mà giá cổ phiếu phản ánh tương đối chính xác giá trị thực của nó thì nhà đầu tư Việt Nam mới bàn đến việc “voi” của chúng ta có thể “phi nước đại” hay không?

Nếu có một nguyên tắc cơ bản trong đầu tư vào cổ phiếu nhỏ thì đó là nên tìm mua những cổ phiếu của những công ty tốt tại những mức giá hợp lý.

Thế nào là một công ty tốt?

Quản trị

Hãy cố gắng tìm hiểu chất lượng của đội ngũ quản trị công ty, kinh nghiệm hoạt động của họ trong ngành, cổ phần nắm giữ, những thành tích đạt được, và xem họ đã bao giờ dính dáng vào thất bại của công ty nào chưa.

Vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Đó là một doanh nghiệp với tỉ suất lợi nhuận cao hay thấp, nó bị ảnh hưởng như thế nào trước sự cạnh tranh giá cả của các đối thủ. Vị thế của doanh nghiệp có được bảo vệ bằng lợi thế cạnh tranh vững chắc không?

Thành tích về doanh thu và lợi nhuận

Công ty có con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận tăng liên tục trong 5 năm qua, cùng với mức chi trả cổ tức ổn định, hay doanh nghiệp đó lại có tình hình kinh doanh đầy biến động?

Dòng tiền

Một số doanh nghiệp lãng phí tiền mặt, trong khi một số khác lại rất biết cách sử dụng. Lý tưởng nhất sẽ là một công ty biết cách tạo ra thay vì chỉ biết “đốt” tiền mặt.

Triển vọng phát triển

Hãy xem xét quu mô công ty và vị thế hiện tại của nó trên thị trường cũng như những xu hướng tổng thể và xu hướng phát triển về kinh tế, liệu đó có phải là một doanh nghiệp có tiềm năng không? Nó có khả năng tăng trưởng "phi mã" hay không nếu có thời cơ, và liệu đội ngũ quản lý có đủ năng lực để kiểm soát nổi mức tăng trưởng như vậy?

Bạn có thể mua nó với một mức giá hợp lý không?

Tìm được một công ty tăng trưởng chất lượng tốt không phải là việc quá khó, vấn đề đáng quan tâm hơn là làm thế nào mua được cổ phiếu của những công ty này ở một mức giá hợp lý. Cần lưu ý ở đây là bạn đang tìm kiếm một mức giá hợp lý chứ không phải một mức giá "hời", vì nếu thế bạn có thể sẽ không bao giờ tìm nổi một cổ phiếu mà đầu tư. Một trong những bí quyết của Warren Buffett là để thành công bạn không nhất thiết phải đầu tư vào những công ty hùng mạnh với cái giá ngất ngưởng mà chỉ cần tìm những công ty tốt với mức giá vừa phải.

Vậy thế nào là "mức giá hợp lý"? Tiêu chí đánh giá ở đây là tỉ số P/E - giá trên thu nhập cổ phiếu. Hãy cảnh giác với các công ty có P/E quá cao (trên 50) vì rủi ro gắn liền với các công ty này cũng cao tương ứng, và nếu công ty không thỏa mãn được kỳ vọng của thị trường thì cổ phiếu của nó rất có thể sẽ sụt giá thê thảm. Bên cạnh đó, cũng không nên chọn những công ty có P/E quá thấp (dưới 10). Có thể thị trường có những thông tin gì đó về công ty này mà bạn không biết, hay đó có thể đơn giản là một công ty chả có gì hấp dẫn với triển vọng nghèo nàn. Nói chung, các nhà đầu tư có thể dùng P/E và chỉ số phái sinh của nó là PEG làm chỉ số quyết định để lựa chọn đầu tư vào các công ty nhỏ, hoặc họ cũng có thể chỉ coi đó như những thông tin bổ sung để có được những đánh giá hoàn chỉnh hơn về công ty.

Lời kết

Đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng của các công ty nhỏ hay đầu tư vào những cổ phiếu đầu tàu trên thị trường? Điều này rốt cuộc hoàn toàn phụ thuộc vào phong cách đầu tư và khẩu vị rủi ro của mỗi người, sẵn sàng chấp nhận mức đánh đổi lợi nhuận – rủi ro đến đâu thì đầu tư theo đến đó. Vẫn biết “voi không thể phi nước đại”, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng thích đầu tư vào những cổ phiếu có khả năng “phi nước đại” để tìm kiếm cảm giác mạnh!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]