Quản lý cạnh tranh trong phân phối dược phẩm: Bài học kinh nghiệm

Thực trạng thị trường dược phẩm hiện nay cho thấy các nhà sản xuất nước ngoài chỉ giao độc quyền phân phối sản phẩm cho một trong các công ty cung ứng hậu cần đa quốc gia dẫn tới hiện tượng liên kết chiều dọc, ấn định giá cao, chiếm lĩnh thị trường và các hành vi phản cạnh tranh khác.

15.5948

Sản xuất thuốc. Ảnh: sk&đs

Kết quả nghiên cứu "Báo cáo Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam" của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương công bố mới đây cho biết: các công ty cung ứng hậu cần đa quốc gia ở nước ta cho dù không có thẩm quyền phân phối dược phẩm nhưng đã tham gia vào hầu hết các khâu của quá trình phân phối sản phẩm dược của nhiều nhà sản xuất nước ngoài, từ khâu đăng ký lưu hành thuốc, vận chuyển thuốc, lưu kho, bảo quản đến giao hàng, thu tiền tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ.

Các hành vi hạn chế cạnh tranh

Hiện nay vẫn đang  tồn tại tình trạng độc quyền trong cung ứng thuốc dẫn đến hiện tượng các nhà sản xuất và phân phối nước ngoài liên kết theo chiều: các nhà sản xuất chỉ định và phối hợp với các công ty phân phối trung gian khép kín, mà các công ty khác không thể tham gia. (Nhà SX đa quốc gia => Công ty phân phối tại nước ngoài  =>  Công ty nhập khẩu trong nước => Công ty phân phối nước ngoài tại Việt Nam => Công ty phân phối Việt Nam => Cơ sở điều trị/ nhà thuốc). Các thành viên của liên kết dọc này có thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, không để các công ty phân phối khác tham gia hoặc tiếp cận nguồn cung các loại thuốc họ đang độc quyền phân phối.

Ngoài ra họ cũng ấn định giá thuốc  thông qua việc quyết định giá bán buôn, bán lẻ ở mức rất cao ngay từ nước ngoài.

Thỏa thuận phân chia thị trường: hình thành mạng lưới phân phối độc lập, ngầm định phân phối cho các dòng sản phẩm khác nhau.

Thỏa thuận hạn chế và kiểm soát số lượng: Vì mục tiêu lợi nhuận cao, cả hệ thống từ sản xuất đến phân phối của các công ty đa quốc gia chỉ tập trung phân khúc thị trường ở thành thị chấp nhận giá cao, do đó, tự nguyện hạn chế nguồn cung để giữ giá.

Kinh nghiệm quản lý cạnh tranh tại một số quốc gia

 Báo cáo đã đưa ra các kinh nghiệm thực tế quản lý hệ thống phân phối dược phẩm tại một số quốc gia, tuy nhiên chưa rút ra được bài học có thể áp dụng ở nước ta. Dựa trên báo cáo, chúng tôi có các nhận xét và đề xuất bài học có thể xem xét áp dụng như sau:

Trường hợp 1: Về vụ sáp nhập giữa GlaxoWellcome và SmithKlineBeecham năm 2000. Cộng đồng châu Âu và Nam Phi có cùng kết luận việc sáp nhập gây ảnh hưởng tới cạnh tranh vì công ty GSK tạo ra do sáp nhập sẽ độc quyền và có thể thống lĩnh một số nhóm thuốc điều trị. Họ đã buộc GSK phải đồng ý chuyển giao công nghệ 3 sản phẩm độc quyền cho bên thứ ba mới cho sáp nhập. Việt Nam có thể áp dụng giải pháp buộc chuyển giao như trên với các công ty độc quyền nhóm sản phẩm điều trị.

Trường hợp 2: Kinh nghiệm từ Nam Phi.

Từ năm 1965, Nam Phi đã ban hành Đạo luật số 101 quy định bác sĩ phải kê đơn theo tên hoạt chất (generic) và quy định bán thuốc một giá cho mọi đối tượng khách hàng trừ nhà nước.

Tuy nhiên, Nam Phi các công ty đầu tư nước ngoài và liên doanh các nhà phân phối y dược phẩm tham gia phân phối dẫn đến tình trạng lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường tạo ra câu kết chiều ngang phản cạnh tranh rất khó kiểm soát giá thuốc.

Bài học rút ra từ kinh nghiệm ở Nam Phi:

- Cần có quy định về việc kê đơn theo danh mục thuốc gốc (generic).

- Công tác đấu thầu thuốc ở các bệnh viện cần xây dựng tiêu chí xét thầu chung, thống nhất trên toàn quốc và đấu thầu theo hoạt chất.

- Tránh việc các công ty nước ngoài liên kết hàng dọc chỉ giao sản phẩm cho các nhà phân phối nước ngoài độc quyền, đồng thời tránh tạo ra liên kết chiều ngang (sử dụng cùng một hệ thống phân phối). Theo cam kết WTO và theo giấy phép cấp cho Zuellig, Diethelm, Mega, các công ty này chỉ là nhà cung cấp dịch vụ hậu cần cho dược phẩm. Do đó các nhà sản xuất nước ngoài phải trực tiếp ký kết hợp đồng phân phối với các công ty trong nước có nhu cầu.

Trường hợp 3: Kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu cho phép cạnh tranh trong cùng một nhãn hiệu (intra-brand) bằng thương mại song song (cùng một nhãn hiệu được bán từ quốc gia này sang quốc gia khác qua nhiều nguồn khác nhau) giúp kiểm soát giá trong nước. Nhập khẩu song song là giải pháp hữu ích cần tăng cường để giảm giá thành thuốc.

Trường hợp 4: Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh (UK).

Hãng dược phẩm Pfizer liên kết hàng dọc sử dụng Unichem làm nhà phân phối độc quyền, thỏa thuận trực tiếp với các nhà thuốc bán lẻ và sử dụng dịch vụ hậu cần của một số đại lý độc quyền nhằm kiểm soát giá cả và hạn chế nhập khẩu song song. Bài học rút ra ở nước ta cần có biện pháp tránh các dạng liên kết hàng dọc (Nhà SX đa quốc gia => Công ty phân phối ở nước ngoài => Công ty nhập khẩu trong nước => Công ty phân phối nước ngoài tại Việt Nam => Cơ sở điều trị/ nhà thuốc.)

Trường hợp 5: Kinh nghiệm từ Thái Lan.

Ở Thái Lan, có 3 thành phần tham gia sản xuất dược: nước ngoài, tư nhân và nhà nước (Tổ chức dược phẩm nhà nước - GPO). Nhà nước quy định các cơ sở y tế công phải mua 80% lượng thuốc từ GPO giúp ổn định nguồn cung. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục cho việc đăng ký các thuốc generic và quy định ngặt nghèo về đăng ký với các thuốc còn trong bản quyền. Quy định bắt buộc các công ty đa quốc gia phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho các công ty sản xuất trong nước đồng thời cho phép nhập khẩu thuốc generic làm đối trọng với các loại thuốc còn trong patent.

Bài học có thể áp dụng:

- Nhà nước, Bộ Y tế nên có chính sách để  bệnh viện công (đơn vị sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mua thuốc) ưu tiên mua thuốc từ  nguồn ngân sách của nhà nước, công ty, tổng công ty thuộc nhà nước.

- Đơn giản hóa thủ tục đăng ký cho các công ty và tổng công ty có thẩm quyền phân phối thuốc (thuốc nội và ngoại nhập).

- Cần đẩy mạnh nhập khẩu song song.

theo Quốc Túy - Văn Tiến (sk&đs)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]