Quản lý tài chính bằng phương pháp 6 chiếc lọ

(SKGĐ) Đối với các cặp vợ chồng trẻ, cuộc sống chung trước mắt mở ra không ít vấn đề phức tạp, quản lý tài chính là một trong số đó. Làm thế nào để có thể tự do về tài chính với tổng thu nhập có giới hạn?

15.7968

Nếu bạn đang lo lắng vấn đề tiền nong thì sao không thử phương pháp 6 chiếc lọ vô cùng hữu ích và nổi tiếng trên thế giới.

Phương pháp 6 chiếc lọ là gì?

Đây là một trong những phương pháp quản lý thu nhập cá nhân đơn giản và hiệu quả nhất được áp dụng phổ biến trên thế giới.

Phương pháp này dựa trên việc phân chia tổng thu nhập mỗi tháng của bạn thành 6 tài khoản, sử dụng cho những mục đích khách nhau, tránh việc chi tiêu không hợp lý và không đúng mục đích.

6 chiếc hũ là phương pháp quản lý chi tiêu hiệu quả

Ứng dụng của phương pháp vào thực tế

Mỗi chiếc lọ hay mỗi tài khoản sẽ có mục đích riêng. Nếu coi tổng thu nhập hằng tháng của bạn là 100% thì mỗi chiếc lọ này sẽ chiếm một khoản nhất định.

1. Lọ đầu tư (Financial Freedom Account FFA - 10%)

Hay còn gọi là quỹ Tự do tài chính. Đúng như tên gọi, đây sẽ là khoản để bạn tham vào các hoạt động như mua cổ phiếu, đầu tư vào chứng khoán, hùn vốn để làm ăn với bạn bè hoặc thậm chí là mở công ty riêng của mình. Bằng cách này, bạn đã tạo ra “con ngỗng” đẻ trứng vàng để bạn sử dụng khi không còn “làm công ăn lương”. Sau này nếu 90% kia đã tiêu hết thì bạn vẫn luôn còn 10% này nguyên vẹn và sinh lời.

2. Lọ (Long-term saving for spending Account LTS - 10%)

Số tiền trong chiếc lọ tiết kiệm sẽ dành cho những mục tiêu dài hạn, lớn hơn của bạn như mua xe, mua nhà, đi du lịch nước ngoài hoặc sinh em bé…

Nếu bạn có nhiều mục đích dài hạn, hãy chia nhỏ con số 10% này theo thứ tự ưu tiên quan trọng của bạn. Tính xem trong bao lâu thì bạn sẽ đạt được mục tiêu đó và cố gắng thực hiện.

Đừng xem thường số tiền ít ỏi này, “tích tiểu thành đại” rồi sẽ có ngày bạn sẽ thấy nó cực kì hữu dụng.

Lọ kế hoạch dài hạn sẽ dành cho những kế hoạch trong tương lai.

3. Lọ giáo dục (Education Account EDU - 10%)

Để làm việc và sống tốt hơn, không bao giờ ngừng học tập, trau dồi kiến thức. Đó là ý nghĩa của chiếc hũ này. Đầu tư vào bản thân là một việc không bao giờ lỗ. Khoản tiền này có thể được chi cho sách, đĩa CD, các khoá học hoặc tất tần tật những thứ mang ý nghĩa giáo dục bản thân.

4. Lọ chi tiêu cần thiết (Necessity Account NEC - 55%)

Tài khoản này là để chi dùng cho các chi phí và hoá đơn hằng tháng của bạn như tiền thuê nhà, tiền điện nước, mua sắm quần áo, chi phí cho ăn uống… tức là tất cả những gì bạn cần để đảm bảo cho cho cuộc sống. Vì vậy, đây là lọ chiếm phần trăm cao nhất. Có chiếc lọ này, việc mua sắm giày dép, quần áo của bạn sẽ không còn lạm chi sang những khoản khác.

6 cái lọ không giúp bạn tiết kiệm tiền mà giúp bạn chi tiền đúng.

5. Lọ hưởng thụ (Play Account PLY - 10%)

Nghe có vẻ hơi “tiêu cực” nếu bạn là người luôn nêu cao tinh thần “tiết kiệm tuyệt đối” nhưng số tiền này sẽ giúp bạn mua lấy sự thoải mái, giúp bạn biết cách yêu bản thân. Vì sống đâu chỉ có lao động phải không nào? Với số tiền này, hãy thử làm việc gì hoang phí như mua một đĩa game hay một đĩa nhạc mới, đến rạp xem một bộ phim hay hoặc la cà ăn quà vặt với bạn bè,…

Đừng để dành số tiền này! Phải chi tiêu cho hết trong tháng rồi bạn sẽ thấy ý nghĩa của nó.

6. Lọ phát sinh (Incurred Acount INC - 5%)

Những sự việc bất thường xảy ra không ai lường trước được từ chuyện đám tiệc, bạn đi đường thì bị cảnh sát giao thông thổi phạt đến người nhà đau ốm… Khoản tiền này sẽ giúp bạn đỡ lúng túng khi phát sinh vấn đề.

Áp dụng phương pháp này bạn không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn có thể chi tiêu vào việc ý nghĩa và tích cóp cho tương lai một cách dễ dàng.

Thanh Vy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]