Quảng Ninh: Nhiều cách làm hay trong dạy nghề nông thôn

Nhờ triển khai nghiêm túc Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn với những giải pháp chủ động và hiệu quả, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

15.5887

Có thể nói, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai đảm bảo kế hoạch, đúng mục tiêu chương trình đào tạo, thực hiện đúng các quy định hướng dẫn về dạy nghề. Chương trình được các cấp, ngành và nhân dân đồng tình hưởng ứng nên khi triển khai có nhiều thuận lợi. Thông qua các lớp dạy nghề, người học được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu, thoát nghèo cho bản thân, gia đình.

Theo kế hoạch, năm 2012, Quảng Ninh tổ chức 146 lớp dạy nghề cho 5.080 lao động nông thôn với kinh phí gần 17 tỷ đồng. Trong đó có 82 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, 64 lớp dạy nghề nông nghiệp. Đến thời điểm này, tỉnh đã tổ chức được 139 lớp dạy nghề cho 4.793 lao động nông thôn. Đến hết tháng 11, toàn bộ số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch được triển khai thực hiện.

Để chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả tốt, 100% UBND các cấp đã xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động cụ thể; tổ chức tuyên truyền cho cộng tác viên tại các thôn, khu, khe, bản về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó truyền tải tới người dân.

Trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh Quảng Ninh thực hiện khá nghiêm túc từ nhiều năm qua. Năm 2011, tỉnh tổ chức 32 lớp điểm dạy nghề lao động nông thôn cho 1.120 người, tập trung vào các nghề: nuôi trồng thủy sản, chăm sóc cây vụ đông, nấu ăn, may công nghiệp, điều khiển phương tiện thủy nội địa, trồng rau và hoa cao cấp, cơ điện nông thôn, điện dân dụng, nghiệp vụ buồng, trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, móc chỉ... Trên 1.000 học viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm với mức thu nhập 2- 4 triệu đồng/người/tháng.

Qua các mô hình thí điểm được tổ chức trong năm 2011 thấy: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, công tác định hướng chọn nghề đào tạo là hết sức quan trọng. Việc chọn nghề đào tạo phải nắm bắt được nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tại địa phương, có sự phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề. Đối với các nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cần tạo được cơ chế khuyến khích doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt danh mục 41 nghề đào tạo cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề. Giải pháp phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn đã huy động được nguồn lực của các cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chương trình, giáo trình để dạy nghề cho lao động nông thôn đều được các cơ sở dạy nghề xây dựng đúng quy định và đảm bảo thời lượng giữa lý thuyết và thực hành; hằng năm xây dựng nghề mới và cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới theo yêu cầu của thị trường lao động.

Công tác phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề cũng được tỉnh quan tâm. Trong quý I/2012, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, từ đó xác định kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nghề; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, trung tâm khuyến nông - lâm - ngư và nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng được chú trọng. Từ khi triển khai thực hiện Đề án 1956, Quảng Ninh đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nghề và kỹ năng dạy học cho 182 giáo viên, người dạy nghề.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn theo nghề và cấp trình độ đào tạo.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo và triển khai nghiêm túc của các cấp, ngành, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Ninh tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Việt Phương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]