Quên tầm soát sau sinh, trẻ có nguy cơ tật nguyền

Những đứa trẻ mới chào đời thoạt nhìn có vẻ lành lặn nhưng có thể mắc những dị tật bẩm sinh: khiếm thính, bong võng mạc, trật khớp háng, suy giáp bẩm sinh...

15.5963
 
Ngoài chương trình “sàng lọc trước sinh” giúp phát hiện sớm các dị tật thai nhi, trẻ mới chào đời cũng cần được “tầm soát sau sinh” để tránh tật nguyền.
 
Nhiều nguy cơ
 
Anh Võ V.Q. (36 tuổi, H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, con gái của anh được hai tháng tuổi, mỗi khi bé nằm sấp, anh phát hiện mông bên trái của bé cao hơn bên còn lại. Kết quả chụp X-quang tại BV Từ Dũ phát hiện: bé bị trật khớp háng bẩm sinh, cần phải đeo nẹp dạng đùi kết hợp với vật lý trị liệu để điều chỉnh khớp háng. Nếu can thiệp trễ, bé sẽ bị những cơn đau hành hạ, khớp bị thoái hóa hoặc hư hỏng, dáng đi khập khiễng… 
 
PGS-TS Lê Đức Tố - Giám đốc BV Ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình STO Phương Đông cho biết, chứng trật khớp háng bẩm sinh vẫn chưa được nhiều phụ huynh chú ý. Trẻ sinh “ngôi mông” là một trong những đối tượng dễ bị trật khớp háng nhất. Trong khi rất dễ dàng phát hiện con có bị chứng này hay không, chỉ bằng cách đặt con nằm sấp, xem hai mông của trẻ, hai nếp lằn ở bên trong đùi có cân đối hay không.
 
Tầm soát trẻ sau khi sinh, giúp trẻ phát triển bình thường
 
BS CKII Bùi Thị Thủy Tiên - Trưởng khoa Sơ sinh BV Hùng Vương cảnh báo: “Nếu mẹ có tiền sử nhiễm trùng bào thai hoặc nhiễm rubella thai kỳ, 50% trẻ sinh ra có thể bị khiếm thính. Ngoài ra, nguyên nhân gây khiếm thính bẩm sinh cũng có thể là do mẹ dùng kháng sinh streptomycin. Nếu không phát hiện trẻ bị khiếm thính sớm trước ba tháng tuổi và can thiệp trước sáu tháng tuổi, trẻ có thể bị điếc; trẻ chậm hoặc không nói được, dẫn đến học tập - giao tiếp kém, khó hòa nhập cộng đồng, rối loạn phát triển năng lực.
 
Việc phát hiện trẻ khiếm thính không quá khó, khi trẻ sơ sinh ngủ được 5 phút, mẹ có thể nói nhẹ nhàng một số âm thanh nào đó cách tai trẻ khoảng 50cm. Nếu trẻ có đáp ứng (mở mắt, chớp mắt, vặn mình, cử động chi…), chứng tỏ trẻ nghe bình thường.

Thiếu men G6PD là nguyên nhân gây vàng da sơ sinh hoặc gây thiếu máu tán huyết, còn nhược giáp ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất - tâm vận, khiến trẻ đần độn, không có khả năng học tập. Theo PGS-TS Ngô Minh Xuân - Trưởng khoa Sơ sinh BV Từ Dũ, tất cả trẻ được sinh ra, dù đủ tháng đủ cân hay nhẹ cân, non tháng, đều cần được thử máu để tầm soát thiếu men G6PD (ngay sau sinh) và nhược giáp (sau sinh 48 tiếng).

Đặc biệt quan tâm với trẻ sinh non tháng

Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân cần được theo dõi ít nhất là hai năm, nhằm sớm phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn. Cho dù được xuất viện, trong thời gian đầu, trẻ phải đi khám mỗi tuần, thậm chí có trẻ hai - ba ngày phải vào BV một lần. Các trẻ nhẹ cân cần một chương trình theo dõi đặc biệt về tâm sinh lý, khám mắt và tai, siêu âm não…

Bé Nguyễn K.L. (Cái Bè, Tiền Giang) sinh non, nặng 1,3kg. Sau khi sinh, tuy đã được tư vấn, nhưng do nhà ở quá xa nên bé không được khám tầm soát về mắt. Đến khi bé hơn sáu tháng, gia đình phát hiện mắt bé có vấn đề và cho bé đi khám. Một bên mắt của bé đã bị bong võng mạc, con ngươi trắng lên và không thể nhìn thấy, mắt còn lại cũng yếu dần.

Theo PGS-TS Ngô Minh Xuân, những bé sinh non tháng và cân nặng dưới 1,5kg hoặc cân nặng trên 1,5kg phải thở ôxy kéo dài thường sẽ bị bong võng mạc sơ sinh - nguyên nhân gây mù cho trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ sinh non sớm được phát hiện có bệnh lý về mắt, có thể được điều trị bằng laser, tránh được nguy cơ mù cả hai mắt. Tỷ lệ thành công của phương pháp này lên đến 90%.

Một bệnh lý bẩm sinh khác mà trẻ sinh non tháng thường gặp là tinh hoàn lạc chỗ. Trong cơ thể của em bé, bìu là nơi nhiệt độ thấp nhất, nên nếu tinh hoàn nằm ở chỗ khác, thân nhiệt cao có thể sẽ làm hư tinh hoàn, tinh hoàn bị thoái hóa hoặc có thể ung thư. Việc kiểm tra sớm sẽ giúp BS xác định tinh hoàn đang dịch chuyển về vị trí vốn có hay không để tiến hành phẫu thuật.

PGS-TS Xuân cũng cảnh báo, hai tuần đầu tiên sau sinh, trẻ dễ bị vàng da. Buổi sáng, cha mẹ nên đưa trẻ ra ngoài ánh sáng tự nhiên để theo dõi. Nếu vùng vàng da lan từ đầu cổ xuống ngực, bụng, đùi, cánh tay, tức là vàng da đã trở thành bệnh lý, phải đưa ngay trẻ vào BV. Hoặc khi trẻ sơ sinh chậm chạp, ít cử động hơn so với trẻ bình thường, ngủ nhiều, cha mẹ cũng cần sớm đưa trẻ đến BV để kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ.

AloBacsi.vn (Theo An Quý - Phụ nữ TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]