Quy định bắt buộc về hàm lượng E102 trong thực phẩm

Sắp tới, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế sẽ có quy định cụ thể về việc được phép sử dụng hàm lượng tối đa chất E102 trên mỗi sản phẩm thành phẩm. Về phía các nhà sản xuất, việc công bố rõ ràng hàm lượng và khuyến cáo sử dụng là việc bắt buộc phải làm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và trách nhiệm với cộng đồng.

15.5837

Quy định bắt buộc về hàm lượng E102 trong thực phẩm

Sắp tới, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế sẽ có quy định cụ thể về việc được phép sử dụng hàm lượng tối đa chất E102 trên mỗi sản phẩm thành phẩm. Về phía các nhà sản xuất, việc công bố rõ ràng hàm lượng và khuyến cáo sử dụng là việc bắt buộc phải làm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và trách nhiệm với cộng đồng.

Khi nào thì nhà sản xuất phải ghi rõ hàm lượng chất E102 trên mỗi gói thành phẩm - ảnh: internet

Thị trường mì ăn liền của Việt Nam tăng trưởng từ 15-20% mỗi năm và dự báo trong 2-3 năm tới mức tiêu thụ mì tại Việt Nam sẽ tăng lên 7-8 tỷ gói. Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng vào top đầu châu Á và là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về tiêu thụ mặt hàng này.

Gần đây, dư luận và báo chí những ngày qua nói nhiều đến chất tạo màu Tatrazine (E102) có trong mì ăn liền. Tuy nhiên, ảnh hưởng thực sự của nó đến sức khỏe người tiêu dùng thì vẫn chưa có công bố cụ thể. Điều quan trọng là theo các thông tin mà chúng tôi có, mì gói hiện vẫn chưa nằm trong danh sách 26 nhóm thực phẩm được Bộ Y tế cho phép sử dụng chất tạo màu E102.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mì gói tự xếp việc sử dụng chất tạo màu E102 trên mì của mình vào nhóm "sản phẩm dùng để trang trí thực phẩm" (nhóm 14 trong danh sách các nhóm thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam). Theo một chuyên gia về an toàn thực phẩm, đây là một kiểu "tự biện" rất vô lý, nhưng lại được chấp nhận ở Việt Nam.

Đứng ở phương diện một chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Mạnh – Viện trưởng Viện Công Nghiệp Thực phẩm hoàn toàn nhất trí với kết luận của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) khi khẳng định rằng chất E102 tạo màu có trong mì ăn liền là hoàn toàn vô hại nếu sử dụng trong ngưỡng cho phép.

"Ngưỡng cho phép đó là từ 0 – 7,5 mg/ 1 kg thể trọng/ngày. Vì vậy, nếu bạn 50 kg thì bạn được phép tiếp nhận chất này là 375 mg/ngày. Ngưỡng này được coi là ngưỡng “thoải mái” để các nhà sản xuất sử dụng trong sản phẩm của mình", PGS cho biết.

Cũng theo PGS Mạnh, việc một người ăn 2 – 3 gói mì ăn liền trong một ngày là hoàn toàn bình thường. Người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng về việc ăn nhiều gói mì như vậy trong ngày vì hàm lượng của chất E102 là rất ít.

Song, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm cũng khuyên: “Không nên ăn mì ăn liền với số lượng trên trong một thời gian dài vì sự tích lũy của chất E102 trong cơ thể sẽ gây hại.

Tùy theo độ tuổi để có khẩu phần ăn hợp lý. Một đứa trẻ 3 tuổi mà ăn 4 gói mỳ ăn liền trong một tuần đã được coi là nhiều. Nếu ăn liên tục như vậy trong một thời gian dài là điều không nên. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên thay đổi thành phần bữa ăn để tăng thêm chất dinh dưỡng và bổ sung nhiều chất thay vì việc chỉ sử dụng mì ăn liền”.

Tuy nhiên, vấn đề chính là hiện nay, các công ty sản xuất mì ăn liền chỉ dừng lại ở việc công bố chất tạo màu E102 mà không ghi cụ thể hàm lượng có trong mỗi gói thành phẩm là bao nhiêu.

"E102 có nhiều hay ít thì không thể phân biệt bằng cảm quan nhìn của người tiêu dùng mà phải được phân tích bằng máy móc. Việc màu vàng đậm hay nhạt chỉ phản ánh một phần nào về bản chất của chất tạo màu E102 mà thôi", PGS nhận định.

Chính vì vậy, điều này đã gây khó khăn cho người tiêu dùng và cả công tác thanh kiểm tra. Ông Mạnh cho rằng, phía cơ quản quản lý trực tiếp là Cục ATVSTP – Bộ Y Tế nên tiếp tục cập nhật các thông tin về chất E102 và điều chỉnh các giới hạn, phạm vi sử dụng đã được quy định từ năm 2001 bằng quyết định 3742/2001/QĐ- BYT.

Nhưng ông Mạnh cũng cho rằng, việc lo lắng dẫn đến tẩy chay sử dụng mì ăn liền có chất tạo màu E102 của nhiều bà nội trợ là hơi cực đoan. Bởi theo ông Mạnh, chất tạo màu E102 còn được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như trong đồ uống, rượu, nước giải khát, snack được chế biến từ ngũ cốc, kẹo, mứt, quả khô, thức ăn tráng miệng có sữa hoặc nước rau ép thanh trùng, nước chấm và các sản phẩm tương tự...

Đồng quan điểm với PGS Lê Tiến Mạnh, ông Nguyễn Văn Nhiên – Chánh Thanh tra Cục ATVSTP khẳng định, người tiêu dùng không nên lo lắng thái quá trước các thông tin về E102. Báo giới nên định hướng dư luận để người tiêu dùng an tâm và không xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Sắp tới đây, Cục ATVSTP sẽ có quy định cụ thể về việc được phép sử dụng hàm lượng tối đa chất E102 trên mỗi sản phẩm thành phẩm. Về phía các nhà sản xuất, việc công bố rõ ràng hàm lượng và khuyến cáo sử dụng là việc bắt buộc phải làm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và trách nhiệm với cộng đồng.

Nếu doanh nghiệp nào không tuân thủ đúng yêu cầu của Cục thì đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật", ông Nhiên kết luận.

Trước phản hồi của những nhà chuyên môn, nhiều người tiêu dùng tự hỏi: Trong khi chờ các cơ quan quản lý ra văn bản quy định mới thì có nên tiếp tục đặt niềm tin ở các nhà sản xuất hay không khi các thông số vẫn chưa được công khai? Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này để cung cấp tới độc giả.

Theo Vtc news

Theo Vtc news

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]