Quyết liệt chặn các nguy cơ

SKĐS - “Thời tiết đông xuân là điều kiện thuận lợi để virút cúm A/H7N9 phát triển và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.

15.5864

“Thời tiết đông xuân là điều kiện thuận lợi để virút cúm A/H7N9 phát triển và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, việc nhập lậu gia cầm qua biên giới chưa kiểm soát hiệu quả”, đây là ý kiến nhấn mạnh của PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế tại hội thảo Tham vấn tăng cường giám sát và phòng chống dịch cúm A/H7N9 do Cục Y tế dự phòng phối hợp với Cục Thú y; Tổ chức Y tế Thế giới và một số cơ quan liên quan tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12.

Làm tốt công tác dự phòng chống dịch

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay, ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm cúm A/H7N9, thành công lớn này là do ngành y tế đã làm tốt công tác dự phòng, phối hợp thông tin chặt chẽ với ngành thú y, các tổ chức quốc tế để kiểm soát nguồn bệnh. Tuy nhiên, sau thời gian không ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9, gần đây, tại Trung Quốc đã tiếp tục ghi nhận một số trường hợp mắc cúm A/H7N9. Do đó, chúng ta không thể chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh liên quan đến cúm gia cầm, đặc biệt là dịch cúm A/H7N9.

Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập virut cúm A/H7N9 vào Việt Nam và không bùng phát thành dịch, Cục Y tế dự phòng đã tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ tất cả hành khách, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu tại các cửa khẩu, đặc biệt là khu vực biên giới phía Bắc. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, tổ chức khám sàng lọc cách ly, xử lý kịp thời, hạn chế lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng; chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai biện pháp xử lý ổ dịch, tổ chức thường trực chống dịch; phối hợp với ngành NN&PTNT và chính quyền địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm trong đó có nguyên nhân từ cúm A/H7N9, kịp thời thông báo cho ngành y tế khi có dịch trên gia cầm và thực hiện xử lý triệt để dịch, hạn chế lây lan.

Tiêu độc khử trùng cho gia cầm để phòng dịch. Ảnh: TM

Cuối năm, buôn bán gia cầm lậu gia tăng

Mặc dù ngành y tế và các ngành liên quan cũng như các chuyên gia y tế đã thường xuyên đẩy mạnh việc khuyến cáo về phòng, chống dịch cúm gia cầm trong cộng đồng như: người dân chỉ nên buôn bán, sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời... Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng buôn bán và sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ví như cuối tuần qua, tại vùng biển Quảng Ninh, lực lượng Cảnh sát biển vừa bắt giữ một xuồng cao tốc đang vận chuyển 40.000 con gà đưa từ bên kia biên giới về Việt Nam để tiêu thụ... Tại Lạng Sơn, lực lượng chức năng cũng liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển gà lậu, trứng gà lậu không có nguồn gốc, xuất xứ. Tại khu vực phía Nam, thống kê của Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trên toàn địa bàn thành phố mỗi ngày còn khoảng 50 điểm buôn bán gia cầm trái phép ở tất cả các cửa ngõ, phát hiện hàng trăm phương tiên vận chuyển gia cầm trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Chính vì thế, nguy cơ dịch bệnh từ vùng dịch đang đe dọa sẽ tràn vào thành phố từ việc vận chuyển trái phép này.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh, theo thông lệ, cứ đến dịp giáp Tết là tình hình buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc vào nội địa có chiều hướng gia tăng. Do đó, để tiếp tục chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Cục QLTT đã đề xuất với Ban chỉ đạo 127 TW đề nghị thành lập 5 đoàn kiểm tra ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó có 1 đoàn do Cục QLTT trực tiếp kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của TW về phòng, chống gia cầm nhập lậu.        

Theo Cục Ðiều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung và gia cầm, sản phẩm gia cầm nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Tính từ 15/12/2012 - 15/11/2013, lực lượng Hải quan trong cả nước đã phát hiện, bắt giữ 75 vụ vi phạm là gia cầm và các sản phẩm của gia cầm. Hàng hóa vi phạm gồm: 173.370 con gia cầm giống; 3.355 con và 31.160kg gia cầm thương phẩm; 29.000 quả trứng gia cầm; 634.533kg chân cánh gà, dạ dày lợn, cừu đông lạnh; 390kg thịt gia cầm đông lạnh; 60kg và 41 gói thịt gà cay. Ðịa bàn trọng điểm của hoạt động buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng.

Nguyễn Hoàng

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]