Khi hình ảnh những thi thể đầu tiên của máy bay QZ8501, vốn rơi xuống biển Java của Indonesia, được gửi về, Giám đốc điều hành hãng AirAsia, ông Tony Fernandes không giấu nổi xúc động, ra tuyên bố bày tỏ “đau buồn” về vụ việc này và khẳng định tập trung ưu tiên cho gia đình các nạn nhân. Trước đó, ngay sau thông tin QZ8501 mất tích bí ẩn, ông lập tức gửi lời xin lỗi, an ủi gia đình các nạn nhân và nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề nhanh chóng.

Các quan chức của các tập đoàn thường có tinh thần tự nhận trách nhiệm về những bi kịch của Cty, nhưng chưa ai được đánh giá phản ứng xuất sắc như ông Fernandes lần này. Sau khi QZ8501 chở 162 người trên khoang được xác định rơi xuống biển Java, vị doanh nhân trẻ nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ việc, nói chuyện với  gia đình các nạn nhân để an ủi và xin lỗi họ. Ông hứa sẽ không “thoái thác bất kỳ nghĩa vụ nào của chúng tôi”, ngụ ý bồi thường tài chính, và sẽ sửa chữa bất kỳ lỗi lầm nào.

Hành động của ông được đánh giá là chân thành chứ không phải kiểu “sửa chữa uy tín” thông thường mà nhiều vị giám đốc điều hành của các Cty thường làm sau khi xảy ra thảm họa hay sai lầm. “Tôi là người lãnh đạo của Cty này, và tôi phải chịu trách nhiệm. Đó là lý do tại sao tôi ở đây”, ông nói với các phóng viên khi có mặt tại thành phố Surabaya của Indonesia, nơi máy bay cất cánh để đi đến Singapore.

“Mặc dù chúng tôi không biết nguyên nhân vì sao máy bay gặp nạn nhưng các hành khách đã đi trên máy bay của tôi”. Sau khi nhìn thấy những mảnh vỡ máy bay và các thi thể xấu số, ông đã cầu nguyện và bày tỏ chân thành: “Trái tim tôi tan vỡ. Thay mặt cho AirAsia, tôi xin chia buồn cùng tất cả mọi người. Không từ ngữ nào có thể diễn tả cảm giác có lỗi của tôi trong lúc này”.

AirAsia là hãng hàng không tư nhân lớn nhất ở Châu Á với 8.000 nhân viên và lịch sử an toàn vững chắc. Điều này có thể giúp ông chủ Fernandes có đủ tinh thần và sức lực để nhanh chóng “đền bù và tìm kiếm giải pháp”. AirAsia đã mời gia đình các nạn nhân đến Surabaya, nơi có đội ngũ chuyên nghiệp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc cho mỗi gia đình để đảm bảo, tất cả yêu cầu của họ đều được đáp ứng.

Nhưng không thiếu các tập đoàn hay Cty có đủ tiềm lực như thế này đã phản ứng quá sai lầm. Theo CS Monitor, hành động của ông Fernandes trái ngược với phản ứng chính thức trước 2 thảm họa hàng không khác: đó là vụ mất tích của máy bay MH370 và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở đông Ukraine của hãng Malaysia Airlines. Trong 2 thảm kịch tồi tệ này, các quan chức Malaysia Airlines bị chỉ trích quá thờ ơ và không minh bạch trong việc thừa nhận sai lầm hoặc đền bù thiệt hại.

Người thân bật khóc khi nhận thi thể các nạn nhân QZ8501 tại Bệnh viện Bhayankara ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: Reuters

Lời xin lỗi nổi bật khác đến từ giám đốc điều hành General Motors, bà Mary Barra. Hồi cuối tháng 3-2014, bà xin lỗi vì hãng xe lớn nhất thứ hai trên thế giới để xảy ra lỗi ở công tắc đánh lửa dẫn đến việc thu hồi 1,6 triệu xe và một số vụ tai nạn chết người. Trong tuyên bố xin lỗi, bà cũng cam kết sẽ sắp xếp lại đội ngũ quản lý an toàn của GM. Ngược lại, hãng dầu khí khổng lồ BP của Anh “cần” thời gian quá dài sau vụ tràn dầu năm 2010 tại vịnh Mexico mới tìm cách hối lỗi và sửa sai.

Người ta từng nói: “Đừng làm hỏng một lời xin lỗi bằng một lý do nào đó”. Và tất nhiên, nói “tôi xin lỗi” không bao giờ là đủ nếu không nỗ lực sửa chữa sai lầm và đền bù thiệt hại. Bất kỳ vị lãnh đạo nào nhận ra lỗi với thái độ ăn năn chân thành cũng sẽ được đền đáp và giúp đặt ra tiền lệ quan trọng. Đối với ngành hàng không, ông chủ hãng AirAsia đã làm được điều đó.

Theo Khả Anh/cadn.com.vn

Video đang được xem nhiều