Rắc rối với con riêng của vợ, phải làm sao?

(Dân Việt) (Dân Việt) - Có một số nguyên tắc để làm một cha dượng tốt: Không nói xấu bố đẻ của con, không tạo kỷ luật thép, cố gắng thay vị trí của người bố đẻ, không vội vàng uốn nắn trẻ theo cách sống của mình, không đối xử thiên lệch.

0

Tôi tái hôn với người phụ nữ đã có con riêng 14 tuổi. Cho dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng tôi vẫn gặp rắc rối. Con riêng của vợ tôi lầm lỳ, sai gì, nói gì cũng như câm điếc, tôi như vấp phải tường đá. Mấy lần thấy cháu ăn nói nhấm nhẳng với mẹ, tôi có thái độ nhắc nhở, cháu liền vùng vằng, đá tung cả ghế.

Vợ tôi rất khó xử, uốn nắn con nhiều lần nhưng cháu không thay đổi. Cháu là con trai nên tôi cũng muốn nghiêm khắc dạy dỗ, nhưng càng dạy thấy càng xa cách.

Chồng cũ của vợ tôi đối xử với gia đình không tốt, cũng không có trách nhiệm với con, nhưng tôi nói gì cháu cũng nói: Bố cháu không dạy thế. Hình ảnh người chồng cũ luôn án ngữ giữa gia đình. Tôi cần làm gì với cháu để hòa khí gia đình bớt căng thẳng.

Đức Minh (thành phố Vĩnh Phúc)

Không chỉ anh mà nhiều người tái hôn đều gặp những rắc rối với con riêng của vợ. Tuy nhiên, nếu như thực lòng muốn yêu thương, gắn bó, anh sẽ có cách để lay chuyển sự bướng bỉnh của con trai. Tuổi 14 là tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý khiến cháu trở nên cáu kỉnh, khó bảo, chỉ có sự kiên nhẫn, gần gũi mới có thể tháo gỡ dần dần.

Có một số nguyên tắc để làm một cha dượng tốt: Không nói xấu bố đẻ của con, không tạo kỷ luật thép, cố gắng thay vị trí của người bố đẻ, không vội vàng uốn nắn trẻ theo cách sống của mình, không đối xử thiên lệch. Vì đã có sẵn ấn tượng “thay thế bố”, “chiếm tình cảm của mẹ” nên trẻ rất nhạy cảm với các hành động của bố dượng.

Anh hãy để cháu biết anh tôn trọng mối quan hệ cha con của cháu, những việc anh làm chỉ xuất phát từ mong muốn cháu tốt hơn. Nếu cháu làm sai, thay vì trừng phạt, anh nên chia sẻ và khuyến khích trẻ lần sau làm tốt hơn. Khi chưa tìm được tiếng nói chung, anh nên cố gắng đối xử với cháu một cách công bằng, với các nguyên tắc rõ ràng và có thưởng, phạt hợp lý.

Để cháu không chạnh lòng, tủi thân vì phải chia sẻ mẹ với “người xa lạ”, anh chị nên hạn chế các cử chỉ âu yếm trước mặt cháu, đồng thời tăng cường khoảng thời gian chia sẻ, vui đùa giữa ba người. Với sự kiên nhẫn và vị tha, anh sẽ dần chiếm được cảm tình của trẻ.

Đã có nhiều người thành công khi không cố gắng tiếp cận đứa trẻ bằng các bài thuyết giáo, dạy dỗ mà chỉ đơn giản cùng tham gia trò chơi mà đứa trẻ yêu thích. Hãy để tình cảm tự nhiên nảy nở bằng các trò giải trí của hai người đàn ông.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]