Remarque - tác giả cuốn sách hay nhất về thế chiến I

Erich Maria Remarque, nhà văn người Đức, là tác giả của “Phía Tây không có gì lạ” - cuốn tiểu thuyết hay nhất về Thế chiến I. Sau này, Remarkque còn viết nhiều tác phẩm được đánh giá là thành công về cả mặt thương mại lẫn nghệ thuật, nhưng ông không bao giờ thoát khỏi cái bóng của chính mình được tạo dựng nên nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay.

15.573

H.T. - 

Erich Maria Remarque sinh ngày 21/6/1898 trong một gia đình bình dân tại Osnabrück, miền Tây nước Đức. Tổ tiên ông là người Pháp nhưng được “Đức hóa” từ đầu thế kỷ 19. Peter Franz Remark - bố của nhà văn - là một thợ đóng sách nghèo. Dù không mấy quan tâm đến những hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng gia đình ông cũng có một chiếc piano. Nhờ có cây đàn mà Remarque đã trở thành giáo viên dạy nhạc kiếm sống trong những ngày gia đình ông gặp khó khăn. Đã có lúc, nhà văn tương lai ôm ấp ý định trở thành nhạc sĩ. Năm 1904, lên 7 tuổi, Remarque theo học tại trường Dòng. Theo lời những người bạn cùng thời kể lại, ông luôn là “cậu học trò giỏi nhất”.

Tốt nghiệp trung học, Remarque vào Đại học Münster, nhưng chưa học xong, ông đã bị gọi nhập ngũ và chiến đấu ở mặt trận phía Tây. Những tháng ngày vào sinh ra tử trong lửa đạn này là nguồn tư liệu quý giá cho ông khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nhiều nguyên mẫu ông gặp, nhiều địa danh ông đã kinh qua về sau đều được ít nhiều miêu tả trong cuốn sách.

Nhà văn Erich Maria Remarque.

Remarque bắt đầu sự nghiệp viết lách với vai trò của một phóng viên thể thao. Đầu những năm 1920, ông gặp gỡ và kết hôn với Jutta Zambona - “một phụ nữ cao ráo, thon thả, xinh đẹp và sành điệu như người mẫu”. Nhưng cuộc sống vợ chồng của nhà văn gặp nhiều sóng gió, cả hai đều “ông ăn chả, bà ăn nem”. Họ ly hôn năm 1925 rồi tái hôn năm 1938.

Với sự ra đời của Phía Tây không có gì lạ - cuốn tiểu thuyết kể về số phận của một toán lính sống sót trong chiến tranh, danh tiếng của Remarque nổi như cồn đồng thời khiến ông trải qua không biết bao nhiêu long đong lận đận. Phía Tây không có gì lạ từng bị một nhà xuất bản từ chối nhưng khi ra đời, cuốn sách được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, tiêu thụ được hơn 8 triệu bản. Henry Louis Mencken - nhà phê bình nổi tiếng đương thời - nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất về thế chiến I”.

Cùng với những nhà văn như Ernest Hemingway, Remarque trở thành người phát ngôn cho “một thế hệ bị chiến tranh tàn phá dù họ đã thoát khỏi hòn tên mũi đạn”. Cuốn tiểu thuyết nhanh chóng được Ernest Johannsen và Lewis Milestone chuyển thành phim. Nhưng sự thật khắc nghiệt, khủng khiếp được miêu tả trong cái nhìn hiện thực trần trụi của nhà văn khiến cho các nhà cầm quyền không an lòng. Sách của ông - Phía Tây không có gì lạ và một cuốn tiểu thuyết khác Đường về bị Đức quốc xã đem đốt. Còn bộ phim thì vừa ra mắt đã bị bọn phát xít quấy phá, đến những năm 1950, nó mới được chiếu lại tại Tây Đức. Năm 1939, nhà văn bị tước quốc tịch Đức, bắt đầu sống lưu vong và trở thành công dân Mỹ năm 1947.

Trong những ngày sống tại kinh đô điện ảnh Hollywood, nhà văn kết bạn với nhiều ngôi sao nổi tiếng và cuối cùng, kết hôn với diễn viên Paulette Goddard năm 1958. Họ sống bên nhau tới ngày ông qua đời (25/9/1970).

Ngoài Phía Tây không có gì lạ, tên tuổi Erich Maria Remarque còn gắn liền với những cuốn tiểu thuyết như Đường về, Khải hoàn môn, Tia lửa sống, Bia mộ đen… Hầu hết các tác phẩm đều mang khuynh hướng phê phán và tố cáo xã hội mãnh liệt đồng thời miêu tả sức hủy hoại kinh hoàng của chiến tranh đế quốc đối với thể chất và đời sống tinh thần của con người.

(Nguồn: kirjasto)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]