Rối loạn tâm lý sau khi sinh

15.572

Có những rối loạn thần kinh-tâm lý sau sinh, tùy mức độ nặng nhẹ như: hiện tượng “baby blue”,  tâm lý dễ xúc động,  trầm cảm sau sinh, rối loạn tâm thần sau sinh.

Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến hiện tượng rối loạn tâm lý sau sinh.

Rối loạn tâm lý sau khi sinh ở phụ nữ là hiện tượng khá phổ biến, chiểm tỉ lệ 80 % phụ nữ sau sinh ảnh hưởng khá nặng nề đến người phụ nữ. Rối loạn tâm lý sau sinh còn có những tên gọi khác nhau như: hội chứng ngày thứ 3 sau khi sinh, hoặc hiện tượng “ baby blue”.

Rối lọan này mặc dù phổ biến nhưng ít được hiểu biết và quan tâm đúng mức bởi  người phụ nữ sau sinh, gia đình và xã hội.

Những triệu chứng rối loạn này thường xuất hiện vào ngày thứ 3 sau sinh đến ngày thứ 11, đôi khi có thể kéo dài 2 tháng.


Người mẹ có những rối loạn tâm lý gì?

Thay đổi tính khí

Khóc nức nở với những lý do không đâu.

Rất dễ nhạy cảm với những la rầy hay những lời chỉ trích

Khó tập trung

Dễ bị kích thích, lo lắng.

Sợ không biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Cảm thấy rất khó khăn trong mối quan hệ hoặc thậm chí xa lạ với bé.

Cảm giác rất mệt mỏi, dễ xúc động, và chán chườn.

Rối loạn giấc ngủ

Nguyên nhân tại sao gây ra những rối loạn tâm lý này?

Do nội tiết tố thay đổi:

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ tiết ra nội tiết tố estrogen và progesterone. Nồng độ progesterone trong thời kỳ mang thai cao hơn bình thường từ 30-50 lần, chính điều này làm cho người mẹ mang thai cảm thấy dễ chịu và thoải mái, vì hormone này ngăn chặn tác động của những chất khác lên trung khu cảm xúc của não, là nơi khởi phát những phản ứng trầm cảm. Sau khi sinh và xổ nhau, nồng độ hormone progesterone giảm xuống nhanh chóng trong vòng vài giờ. Sự đảo lộn đột ngột này là một cú sốc lớn cho cơ thể người mẹ. Não bộ và trung khu cảm xúc không tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhất là giai đoạn sau sinh ở người mẹ trẻ. Sẽ cần phải mất nhiều tháng để cơ thể người mẹ lấy lại quân bình.

Có một số chuyên gia cho rằng chính prolactine(một loại hormone kích thích bài tiết sữa) cản trở việc sản xuất ra estrogen và progesterone, nên họ không khuyến cáo người mẹ bị rối loạn tâm lý trầm cảm cho con bú. Tuy nhiên, nên biết rằng cơ thể người mẹ vẫn sản xuất ra prolactine dù có cho con bú hay không. Hơn nữa, việc cho con bú làm cho người mẹ thỏa mãn và là mối giao tiếp tình cảm với con nhất là ở những người mẹ khó có thể tạo mối liên hệ với con và lo lắng trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh.

Do mệt mỏi

Mệt mỏi có thể dẫn đến trầm cảm. Đa số những người mẹ trẻ đều cảm thấy đuối sức ngay sau khi sinh. Khi mệt mỏi thường họ cảm thấy rất căng thẳng, đặc biệt là đau đẻ, môi trường bệnh viện ồn ào, tiếng trẻ khóc…làm cho người mẹ càng thêm căng thẳng.
Nguyên nhân do cảm xúc

-Thiếu tự tin : khi đứa bé ra đời, luôn thách thức niềm tin của người mẹ, ngay cả những người đã chuẩn bị trước tinh thần làm mẹ. Tình mẫu tử hoàn toàn mới xuất hiện và rất dễ bị lung lay. Hầu hết những người mẹ trẻ, đều có những  lúc nào đó chưa tin tưởng và còn hoài nghi về khả năng làm mẹ của mình.

-Tiếc nuối: một số ít người mẹ cảm thấy tiếc nuối, thất vọng sau khi sinh do cuộc sinh nở đã không diễn ra như dự kiến ( phải sinh mỗ, sinh hút, trẻ sinh non hay có bệnh lý phải nằm dưỡng nhi…), người cha của trẻ không cư xử như mong muốn của người mẹ, mất đi vóc dáng của cô gái hay của người phụ nữ mang thai.

Điều trị rối loạn này như thế nào?

Hiện tượng “baby blue” không phải là một bệnh mà là rối loạn tâm lý sau khi sinh. Vì vậy điều trị bao gồm:

-Nghỉ ngơi

-Cần được người xung quanh quan tâm và chăm sóc. Đó là một trong những vai trò quan trọng nhất của người cha (đứa trẻ) trong những ngày sau sinh. Thăm viếng sản phụ có chọn lọc, nhằm đề phòng tính dễ xúc động của sản phụ khi khách đến thăm mà lỡ lời. Người chồng phải biết quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc vợ để vợ cảm thấy an lòng,  được yêu và được chăm sóc. Nếu phụ nữ sau sinh mong muốn có nhà tâm lý để tư vấn, không nên do dự mời bác sĩ tư vấn (ngày càng có nhiều dịch vụ tư vấn  tâm lý cho phụ nữ sau sinh).

Ngược lại, nếu người phụ nữ lúc nào cũng buồn bã, khóc lóc kéo dài trên 2 tuần sau sinh,  bạn nên đưa cô ấy đến bác sĩ để khám.

BACSI.com (Theo Bacsigiadinh)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]