Rối loạn tiền đình không chừa trẻ nhỏ

(SKGĐ) Mới 9-10 tuổi mà đã mắc chứng rối loạn tiền đình là chuyện phi lý trong suy nghĩ của các bà mẹ nhưng đây lại là điều có thật và có vẻ càng ngày càng phổ biến.

0

 

Bất chợt xây xẩm, chóng mặt

Bé Phạm Liên Mai, 9 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội được gia đình đưa vào viện với tình trạng ngất xỉu, nôn ói liên tục, mắt lờ đờ. Qua khám lâm sàng, bác sỹ chẩn đoán bé bị rối loạn tiền đình. Lúc mới bệnh, bé chỉ kêu chóng mặt khi đang ngồi học, gia đình nghĩ rằng do học hành căng thẳng nên chỉ khuyên bé nghỉ ngơi rồi không để ý tới nữa. Nhưng đến khi bé ngất xỉu ở trường học thì thầy cô hốt hoảng đưa bé tới viện. Sau mấy ngày điều trị tích cực, bé mới được xuất viện. Mẹ bé Mai rất ngạc nhiên khi nghe bác sỹ nói con bị tiền đình, bởi từ trước đến nay, chị luôn nghĩ rối loạn này chỉ gặp ở người lớn tuổi.

Cũng trạc tuổi như bé Mai, bé Như Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng thường xuyên bị xây xẩm mặt mày vì đột nhiên ngã. Mỗi lúc như thế bé phải đứng dựa vào tường rồi từ từ ngồi xuống nghỉ ngơi. Cơn choáng váng cứ kéo đến liên tục đến nỗi bé Như Quỳnh dần quen với nó. Kết quả là học lực của bé giảm sút nghiêm trọng vì bé không thể tập trung. Cha mẹ bé vừa lo lắng vừa giận vì kết quả học tập của con mới “tra hỏi”. Nghe con phụng phịu “Con luôn thấy chóng mặt nên không muốn học”, gia đình đưa bé đi khám ở khoa nhi mới phát hiện ra bị rối loạn tiền đình.

Trên đây chỉ là một trong số ít các trường hợp trẻ em bị rối loạn tiền đình. ThS. BS Trần Bình Nguyên, Khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết rối loạn tiền đình thường xuất hiện sau khi con bạn trải qua giấc ngủ dài vào ban đêm, sáng khi tỉnh dậy thấy mọi vật xung quanh chao đảo, ngồi dậy khó khăn. Rối loạn tiền đình cơn nhẹ, trẻ có thể cố gắng ngồi hay đứng dậy được nhưng hay mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu bị cơn nặng, trẻ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội.

Không phải là bệnh

Các bà mẹ thấy con có biểu hiện của rối loạn tiền đình thường rất lo sợ vì tưởng trẻ có u trong não hay bị một bệnh lý thần kinh nghiêm trọng nào đó. Nhưng theo ThS. BS. Trần Bình Nguyên cho biết rối loạn tiền đình chỉ là tình trạng bất thường liên quan đến cấu trúc của ốc tai (cơ quan chuyển xung âm thanh dạng cơ học sang dạng điện thần kinh ở trong tai).

Bên trong ốc tai có một bộ phận giúp con người giữ thăng bằng và nhận diện được vị trí của mình trong không gian. Trong đó, dây thần kinh chịu trách nhiệm này được gọi là dây tiền đình. Khi trẻ bị rối loạn tiền đình, nghĩa là dây thần kinh này bị rối loạn. Y khoa gọi chung đây là chứng rối loạn dây tiền đình. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng và “chủ nhân” là người quyết định quá trình điều trị chứ không phải là thuốc men hay bác sỹ.

Rối loạn tiền đình có biểu hiện rõ nhất là chóng mặt. Trong khi cơ thể và xung quanh đang đứng yên nhưng trẻ lại có cảm giác bị nghiêng đi, hay xoay tròn chứng tỏ trẻ đang có rối loạn tiền đình. Sau đó, trẻ sẽ bị té ngã, trong trường hợp rối loạn nặng thì không thể gượng dậy được. Và những trẻ có hệ thống tiền đình quá nhạy cảm thường không chịu được với các chuyển động mạnh như các trò chơi cảm giác mạnh, xe chạy với vận tốc quá lớn... Ở những trẻ em này thường xuất hiện sự vụng về, hoặc lo sợ các hoạt động vận động. Các dấu hiệu của tiền đình quá nhạy cảm là:

  • Mất cân bằng loạng choạng, hoặc hay té ngã.
  • Rất ư là không thích, hoặc có một ác cảm với trò đu đưa (xích đu) hay trượt cầu tuột.
  • Khó khăn khi leo cầu thang cao hoặc sợ nhìn từ trên cao nhìn xuống.

Phòng ngừa hữu hiệu

- Việc khống chế những cơn chóng mặt “khủng khiếp” là rất cần thiết và phải kịp thời khi trẻ bị rối loạn tiền đình. Khi đó, tốt nhất bạn nên cho con nằm nghỉ trong phòng thông thoáng, nhiệt độ vừa phải và yên tĩnh.

- Tư thế nằm thích hợp cho trẻ là nghiêng hoặc nằm ngửa tùy vào sự lựa chọn của trẻ.

- Nếu trẻ buồn nôn thì nên cho nôn ra hết, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện , nhất là nước bù điện giải oserol. Ngoài ra, cũng có thể cho trẻ uống thêm một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sỹ.

- Tốt nhất, bạn nên khuyến khích con tập thể dục đều đặn, nhất là những vận động ở chân. Không cho trẻ chơi các trò chơi có tính hoạt động mạnh và thay đổi tư thế nhanh như trò tàu lượn siêu tốc, trượt, xích đu… Dặn bé không được lắc đầu một cách quá nhanh và liên tục.

- Trong ăn uống nên thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước.

- Khi học tập, dặn bé phải dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, tuân theo luật 50/10, nghĩa là ngồi học 50 phút phải nghỉ ngơi 10 phút.

Đoàn Hà

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]