Rửa tay đúng, ngăn ngừa bệnh tật

GiadinhNet - Một báo cáo khoa học năm 2010 tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho thấy: Có tới 64% bà mẹ không rửa tay trước khi cho trẻ ăn.

15.6

Các bà mẹ cũng không chú trọng đến việc dạy con trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cho bản thân ngay từ nhỏ, kể cả thói quen rất đơn giản: Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi, sau khi vệ sinh và trước khi ăn.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần một động tác rửa tay sạch là đã giảm tới 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn… Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn được hiểu như liều vaccine hiệu quả, tiết kiệm để bảo vệ sức khỏe.

Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, 70% trẻ lây bệnh tay chân miệng tại nhà, 30% lây bệnh tại trường. Nhìn vào tỉ lệ này có thể đặt ra câu hỏi: Liệu có sự tương quan nào giữa việc lây bệnh và thói quen vệ sinh khi tại các trường mẫu giáo, mầm non luôn luôn phải thực hiện quy định vệ sinh phòng bệnh. Các cô cũng hướng dẫn các con rèn luyện thói quen tốt như rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn…Nhưng thời gian trẻ ở nhà lại không được các bà mẹ chú ý.

Các nhà khoa học đã khuyến cáo: Rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ mọi loại thuốc kháng sinh. Nó có thể làm giảm một nửa số ca tiêu chảy trên thế giới, giảm 1/2 các ca tử vong do viêm phổi và 1/4 các ca do bệnh liên quan đến hô hấp.

Tiêu chảy đứng thứ 2 trong số các nguyên nhân gây tử vong, mỗi năm giết hại hơn 1,5 triệu trẻ em. Vị trí quán quân thuộc về bệnh viêm phổi, mỗi năm cướp đi mạng sống của khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi. Rửa tay là một cách hữu hiệu phòng chống các căn bệnh này.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cách phòng chống tay chân miệng hiệu quả là rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay, đưa đồ chơi lên miệng. Cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa bát. Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hoặc chloraminB.  
Thiện Ân

Cúm A/H7N9 chưa lây từ người sang người

Trung Quốc đã xác nhận thêm 4 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, bao gồm một trường hợp ở Giang Tô và 3 trường hợp khác ở Chiết Giang.

Trong bản tin cập nhật hàng ngày về các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế quốc gia cho biết có tổng cộng 91 ca nhiễm cúm A/H7N9 đã được báo cáo tại Trung Quốc, trong đó có 17 ca tử vong. Trong số các trường hợp nhiễm cúm H7N9, 7 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi được điều trị và 67 bệnh nhân khác đang được điều trị tại các bệnh viện được chỉ định.

Trung Quốc đã chính thức xác nhận các bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 vào cuối tháng trước. Theo Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế quốc gia, các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 được xác nhận đã bị cách ly và không có dấu hiệu của việc lây nhiễm từ người sang người.
 
V.K

Hợp tác sản xuất vaccine sởi- rubella

Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac) đã chính thức nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia  Nhật Bản để tự sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella.

Dự án được bắt đầu triển khai từ tháng 5 năm 2013 và kéo dài trong gần 5 năm, với tổng ngân sách dự kiến khoảng 707 triệu yên Nhật (tương đương 7,5 triệu USD). Trong dự án này, nhà máy sản xuất vaccine sởi do JICA viện trợ có công suất 7,5 triệu liều/năm, sẽ được trang bị và bổ sung thêm thiết bị để có thể sản xuất được vaccine phối hợp sởi-rubella. Dự kiến đến cuối năm 2017, Polyvac sẽ tự chủ được công nghệ sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella và năm 2018 sẽ bắt đầu cung cấp vaccine này cho trong chương trình tiêm chủng mở rộng.    
 
V.K
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]