Rửa tay là cách phòng Cúm A/H1N1 hữu hiệu nhất

15.5888
Thêm 4 học sinh trường Lomonosov dương tính với cúm A/H1N1

Hôm qua, ngày 2/8, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) xác nhận, cả nước đã ghi nhận thêm 68 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), trong đó, miền Nam có 57 ca nhiễm mới; miền Bắc ghi nhận 2 ca; miền Trung có 6 ca và Tây Nguyên có 3 trường hợp dương tính. So với ngày 1/8, số ca dương tính mới đã tăng rất cao trong ngày 2/8 và vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Tính đến 17h00 ngày 2/8, Việt Nam đã ghi nhận 936 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), chưa có trường hợp nào tử vong. Hiện nay, số bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện là 458 trường hợp; 478 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Đồng thời Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cũng xác nhận dịch cúm A(H1N1) bắt đầu lây lan ra cộng đồng với diễn biến phức tạp bởi cúm không chỉ xuất hiện lẻ tẻ mà đã xuất hiện các ổ dịch tại nơi đông người, mật độ giao lưu lớn như trường học, công sở, khu tập trung đông dân cư... tại Hà Nội và TP. HCM. Tuy vậy, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo: Với tình hình dịch như ở nước ta hiện nay không nhất thiết phải đóng cửa hoặc triển khai các bệnh viện dã chiến tại công sở.

Nhân viên y tế thực hiện khử trùng tại tòa nhà công sở Viettel


Tuy nhiên, ngay tối qua, ngày 2/8, theo nguồn tin của TT&VH từ thầy Nguyễn Khánh Chung, chủ nhiệm lớp 12B Trường THPT dân lập Lomonosov (Khu đô thị Mỹ Đình 2, đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm) cho biết, có thêm bốn học sinh của lớp 12B dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số học sinh trường nhiễm cúm lên tám người. Thầy Chung cho hay, các học sinh mới phát hiện đều ngồi gần vị trí với em Dương - người phát hiện dương tính đầu tiên (hiện Dương đã hồi phục tốt, có kết quả âm tính). Cùng tối qua, thầy Lê Tiến Dũng hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện chưa có học sinh của lớp khác trong khối 12 (tổng số hơn 260 em) trong trường báo lại có hiện tượng mắc cúm. Nhà trường vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và sẽ họp khẩn cấp ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm của trường ngày hôm nay (3/8) để thực hiện các biện pháp đối phó khẩn cấp.

Rửa tay - Biện pháp chống cúm hữu hiệu nhất   

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người nhấn mạnh khuyến cáo: biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh sự lây lan của dịch cúm là tăng cường rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn thông thường.
Biện pháp này đã góp phần làm giảm trên 40% tần suất bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là cúm A(H1N1). Người dân nên tăng cường rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn ở mọi lúc, mọi nơi khi có tiếp xúc với bề mặt nguy cơ, chăm sóc người bệnh tại gia đình và sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi...

Bản chất của cúm A(H1N1) về cơ bản giống như cúm mùa thông thường. Hiện chưa có đánh giá đầy đủ về thời gian tồn tại của vi rút trong tự nhiên, nhưng chắc chắn virus cúm A(H1N1) tồn tại bền vững trong môi trường không khí lạnh, các phòng có sử dụng điều hòa nhiệt độ... Bên cạnh đó, virus này tồn tại trên bề mặt của các sàn nhà, bàn ghế, giường tủ và lây truyền qua đường hô hấp.

Đối với các chung cư cao tầng và công sở, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên mở cửa sổ để không khí được thông thoáng, hạn chế dùng máy lạnh, hạn chế tập trung ở những khu vực có thông khí không tốt. Đồng thời, các cán bộ, công nhân viên cần đeo khẩu trang khi giao tiếp, đặc biệt với những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Khi mở cửa sổ và cửa chính để thông khí tự nhiên cùng với việc bổ sung thêm một số quạt thổi thích hợp sẽ giúp giảm lượng virus (nếu có) phát tán trong không khí từ người bệnh vào môi trường (sau 30 phút chỉ còn lại là 0,3% và sau 1 giờ còn lại 0%.). Đây vẫn là phương pháp hữu hiệu nhằm làm loãng và giảm nồng độ virus trong không khí tại công sở, chung cư cao tầng ít tốn kém, dễ thực hiện. Các chuyên gia y tế không khuyến khích sử dụng thang máy và điều hòa trong thời gian cúm A (H1N1) lây lan ra cộng đồng nhất tại công sở, chung cư cao tầng đã có người nghi ngờ hoặc đã nhiễm cúm.

Tuy virus cúm A(H1N1) lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, nước bọt, dịch tiết nhưng cũng dễ bị diệt bằng thuốc sát khuẩn Cloramin, nước xà phòng.Vì vậy, đối với các công sở, tòa nhà cao tầng để diệt được virus cúm A(H1N1), nhân viên cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dùng nước sát khuẩn để lau chùi các đồ vật như nắm cửa, bàn ghế, điện thoại, mặt sàn nhà, nhà vệ sinh... bằng Cloramin B hoặc nước xà phòng. Khi phát hiện đồng nghiệp có biểu hiện sốt, hắt hơi sổ mũi hoặc có yếu tố liên quan đến nguồn dịch như từ các vùng có dịch cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, để khỏi lây sang đồng nghiệp xung quanh, người đó nên đeo khẩu trang (loại khẩu trang y tế có 3 lớp và bán thấm) để ngăn chặn sự phát tán nguồn bệnh tới người khác và hạn chế tối đa tiếp xúc và giữ khoảng cách trên 1 mét với người đối diện.

Bộ Y tế cho biết: ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ giường bệnh trên người bệnh so với các nước còn rất thấp. Nếu dịch xảy ra trên diện rộng sẽ có thể xảy ra tình trạng quá tải. Để chống quá tải người điều trị cúm A(H1N1) khi dịch bùng phát trên diện rộng, Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống điều trị phân tuyến điều trị, cách ly phù hợp. Trường hợp cần thiết có thể thành lập các khu vực cách ly tạm thời để chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Thảo Vi – Mạnh Cường – Tử Yến
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]