Rút kinh nghiệm sau lấy phiếu tín nhiệm

Theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là với cả một ngành chứ không chỉ với cá nhân vị tư lệnh.

15.5702


Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ năm QH khóa XIII chiều 21/6, nhiều câu hỏi quan tâm đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà QH tiến hành lần đầu tiên trong lịch sử.

Báo Tuổi trẻ muốn biết bình luận của người phát ngôn của QH về kết quả lấy phiếu, theo đó có sự chênh lệch khá rõ giữa khối hành pháp và các chức danh khác. Báo Người lao động thì băn khoăn về những điều chỉnh sau lần đầu thực hiện.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau lần lấy phiếu tín nhiệm này QH sẽ phải rút kinh nghiệm nhiều.

"Dù sao đây cũng là bước đầu ĐBQH thay mặt cử tri đánh giá hiệu quả công tác của các chức danh trong lĩnh vực được giao nhiệm vụ. Với ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, kết quả đã phản ánh đúng thực trạng và tình hình đất nước khi mà khối hành pháp có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, là thước đo cho thấy ở mặt này, mặt kia còn có những khó khăn cần tháo gỡ như ngân hàng, y tế, giáo dục..., các lãnh đạo, trưởng ngành cần tập trung chỉ đạo khắc phục", ông Phúc nói.

Chủ nhiệm VPQH nhận định kết quả lấy phiếu tín nhiệm như vậy là bình thường. Còn việc điều chỉnh nghị quyết 35 về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, vốn là cụ thể hóa tinh thần nghị quyết TƯ 4 của Đảng, còn phải chờ Thường vụ QH và QH quyết định.

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm VPQH, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm là "nâng quyền của ĐB lên rất lớn, rủi ro cho những chức danh không vừa lòng ĐB cũng rất lớn".

Ông Dũng cho biết phản hồi sau khi lấy phiếu nhìn chung là tích cực, ghi nhận một bước tiến dân chủ của QH.

"Cũng có phản hồi tiêu cực rằng 'hòa cả làng', nhưng dư luận xã hội vốn đa dạng", ông Dũng nói. "Tôi nghĩ các ĐB đã làm tốt nhiệm vụ của mình, về với cử tri chắc chắn có cái để nói".

Báo VietNamNet đặt câu hỏi về việc sử dụng và phát huy  kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ các cơ quan có chức danh được lấy phiếu.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng các đối tượng được đánh giá là những người đứng đầu một ngành, phải có giải pháp khắc phục những tồn tại để cố gắng đưa cả ngành vươn lên.

"Đây cũng là lời nhắc nhở của cử tri cho những tư lệnh ngành này phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn để đưa lĩnh vực đó đi lên", Chủ nhiệm VPQH nói.

Tiếp tục nhận góp ý sửa Hiến pháp

Báo Pháp luật TP.HCM nêu băn khoăn về giai đoạn tiếp theo lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chủ nhiệm VPQH cho biết: Đến nay đã có 26 triệu lượt ý kiến, đã được tập hợp, tổng hợp, báo cáo QH để lấy ý kiến của ĐB trong phiên họp tổ và toàn thể được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Qua đó, cử tri có điều kiện theo dõi, đối chiếu và suy nghĩ về những vấn đề mà ĐB phát biểu so với bản dự thảo đã được phát đến tay họ trước đó.

"Từ nay đến 30/9, nhân dân tiếp tục đóng góp, sẽ có ý kiến đồng thuận và chưa đồng thuận, chúng tôi vẫn sẽ tập hợp, tiếp thu và giải trình đầy đủ để báo cáo QH kỳ họp tới", ông Phúc nói.

Sẽ không có một bản dự thảo mới phát đến tay người dân, và họ có thể tiếp tục gửi ý kiến về các cơ quan chức năng ở địa phương và trung ương.

Lùi luật Đất đai để chuẩn bị nghị định

Truyền hình Việt Nam và báo Gia đình Xã hội muốn người phát ngôn của QH giải trình rõ hơn việc lùi thời hạn biểu quyết dự thảo sửa đổi luật Đất đai.

Chủ nhiệm VPQH cho biết trước kỳ họp này đã có 6 triệu lượt góp ý vào dự thảo này, ban soạn thảo đã tập hợp, tổng hợp, tiếp thu đầy đủ.

"Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại hội trường, vẫn còn nhiều ý kiến ĐB về nhiều vấn đề trong luật Đất đai như quyền sở hữu, quyền sử dụng, thu hồi, định giá..., cần thời gian tiếp thu, giải trình thêm. Các văn bản hướng dẫn cũng chưa đầy đủ, cần thời gian soạn thảo để khi luật có hiệu lực ngày 1/1/2014 đã có các nghị định phù hợp, tránh tình trạng luật và văn bản dưới luật vấp nhau, thiếu đồng bộ, khó sửa", ông Phúc cho biết.

Chung Hoàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]