Sắc màu điện ảnh đã biến đổi như thế nào trong 100 năm qua?

(Dân Việt) Phim ảnh mới bắt đầu có màu một thế kỷ nay và phải trải qua rất nhiều nghiên cứu với các kỹ thuật khác nhau để có được công nghệ quay và chiếu phim như hiện tại.

15.5874

Năm 2013, khi bộ phim Oz the Great and Powerful (Pháp sư Oz vĩ đại và quyền năng) ra rạp, người xem chỉ thấy chút thú vị khi cảnh phim chuyển từ đen trắng sang màu cùng lúc ảo thuật gia bước từ thực tế đến xứ thần tiên, coi đó là một kỹ thuật rất bình thường.

Nhưng trước đó 74 năm, cảnh phim tương tự đã chiếm trọn tình yêu của một thế hệ, khi cô bé Dorothy bước từ Kansas đơn màu tẻ nhạt vào xứ Oz lộng lẫy và mê hoặc. Kỹ thuật phim màu khi đó vẫn còn đang trong quá trình phát triển và mỗi bộ phim là một thế giới mới đối với khán giả xem phim.

 
Cảnh trong phim The Wizard of Oz

Sống trong thế kỷ 21, chúng ta đã quen với việc hình ảnh trên phim sống động như thật, với màu sắc giống như thực tế cuộc sống. Nhưng phim ảnh mới bắt đầu có màu một thế kỷ nay và phải trải qua rất nhiều nghiên cứu với các kỹ thuật khác nhau để có được công nghệ quay và chiếu phim như hiện tại.

Vào năm 1900 – chỉ 10 năm sau khi bộ phim đầu tiên ra đời, hãng Pathé của Pháp đã sáng tạo ra phương pháp đổ màu thủ công: họa sĩ sẽ ngồi tô màu trực tiếp lên từng frame hình đã dựng hoàn chỉnh.

Toàn bộ màu sắc trên phim là dựa trên kinh nghiệm của nghệ sĩ, chứ không phải màu thực của cảnh quay. Bộ phim kinh điển The Birth of a Nation (1915 - Sự ra đời của một quốc gia) của Hollywood cũng ứng dụng phương pháp này, nhưng tiết kiệm thời gian bằng cách nhúng toàn bộ cảnh quay vào màu đỏ hoặc lam để tạo cảm xúc cho phim.

 

Cảnh chiến tranh màu đỏ trong phim The Birth of a Nation

Tuy cách làm này đã gặt hái thành công và ghi danh các bộ phim vào lịch sử, người ta vẫn mong muốn tìm ra một phương pháp có thể thu nhận màu sắc thật ngay từ lúc quay.

Năm 1908, hãng Kinemacolor tìm ra kỹ thuật đồng bộ hai máy quay khác biệt, một máy thu màu đỏ, và một máy thu màu xanh lá, cùng lúc ghi hình trên một cuộn phim.

Bằng cách pha màu với tỷ lệ khác nhau từ hai máy này, chúng ta có được những hình ảnh với một vài màu sắc nhất định. Tuy nhiên phương pháp này không thể pha được màu thứ ba, màu lam, do đó người ta thường xuyên phải xem phim với những khoảng trời màu xanh lá úa.

Hãng Technicolor ra đời năm 1915, lúc đầu chỉ cố gắng cải thiện kỹ thuật quay hai màu nói trên. Nhưng vào năm 1932, một phát kiến thay đổi lịch sử ra đời. Các kỹ sư của Technicolor bỗng nhận ra rằng, họ có thể quay từng màu trên từng cuộn phim khác nhau thay vì cố ghi hình chúng lên một cuộn phim chung như trước.

 
Một cảnh trong phim A Visit to the Seaside, với màu đỏ và xanh lá, nhưng không có màu biển

Tất nhiên cách thức này làm tăng chi phí của cả quá trình quay, xử lý phim và trình chiếu, nhưng kết quả thị giác thì thật xứng đáng. Walt Disney nhận ra thế mạnh của màu sắc, đã ngay lập tức ứng dụng kỹ thuật vào bộ phim hoạt hình ngắn Flowers and Trees (1932 - Hoa và cây). Bộ phim trở thành bom tấn với doanh thu khổng lồ, giật giải Oscar dễ dàng, và trở thành bệ phóng hoàn hảo cho Technicolor.

Các hãng phim bắt đầu nhào vào xâu xé kỹ thuật phim màu mới mẻ này, đặc biệt là các bộ phim nhạc kịch, phim giả tưởng, những bộ phim gắn với một thế giới huyền ảo  và cần cảnh trí mê hoặc người xem.

Trong những thành công phải kể tới Singin’ in the Rain (1952 - Hát trong mưa), The Adventures of Robin Hood (1938 - Cuộc phiêu lưu của Robin Hood). Disney tiếp tục thành công rực rỡ với các tựa phim đã trở thành kinh điển như Snow White and the Seven Dwarfs (1938 - Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn)  hay Fantasia (1940).

 

Cảnh phim Flowers and Trees

Sự thành công của phim màu khiến nhu cầu tăng cao, và hãng Technicolor trở thành nhà độc tài sở hữu công nghệ mới. Các xưởng phim bị ép phải thuê máy của hãng để sản xuất, cũng như cho phép người của Technicolor theo dõi phim trường. Vị sứ giả này thường chính là vợ giám đốc Technicolor, Natalie Kalmus , nổi tiếng với việc can thiệp vào quá trình sản xuất của các bộ phim cô có mặt, ví dụ như tự ý tráo đổi trang phục của Gone with the Wind (1939 - Cuốn theo chiều gió).

Kỹ thuật phim màu cũng mang lại thách thức cho những diễn viên thế hệ cũ. Người ta cần chiếu sáng gay gắt hơn để có thể thu nhận màu sắc vào phim, điều này đôi khi làm tăng nhiệt độ phim trường lên tới 37 độ C.

Nữ minh tinh Claudette Colbert sợ hãi điều này tới mức từ chối quay bất cứ phim màu nào trong hai mươi năm liền. Esther Williams thì xoay xở bằng cách đeo kính màu khi diễn. Nhưng rồi do nhu cầu của người xem, việc quay phim màu đã trở thành tiêu chuẩn đương nhiên của Điện ảnh, và các thế hệ diễn viên đều phải chấp nhận sống chung với ánh sáng chói chang khi trình diễn.

 

Cảnh phim Life of Pi

Vào những năm 1950, cuối cùng kỹ thuật của Technicolor cũng phải nhượng bộ, lùi bước khỏi vị trí độc tôn khi hãng Eastman Color tìm ra phương pháp ghi phim màu lên một cuộn phim duy nhất.

Dần dần, ngày càng nhiều kỹ thuật mới ra đời để màu sắc trong điện ảnh đẹp hơn, thật hơn, nổi hơn và ngày càng gần hơn hay vượt xa thực tế. Mỗi một phát kiến mới đều tới cùng những siêu phẩm Điện ảnh, mang lại những trải nghiệm mới mẻ độc đáo cho người xem.

Mỗi ngày, điều kỳ diệu hôm qua vừa vĩ đại là thế, hôm nay đã vội vã trở thành lịch sử, nhưng chúng ta luôn có quyền mong đợi vào những phát kiến kỳ diệu còn đang ở phía trước.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]