Sách hay khó vào thư viện

Lâu nay, muốn đánh giá mức độ phát triển văn hóa đọc của một quốc gia, người ta thường quan sát thư viện và nhà sách.

16.1211

Đọc E-paper

Tại Việt Nam, các nhà sách chưa hẳn là nhiều người mua nhưng thường đông khách xem. Trong khi đó hầu hết thư viện công cộng lại luôn vắng vẻ. TP. Hồ Chí Minh có mạng lưới thư viện cấp huyện được đặt tại những vị trí thuận tiện, đông dân cư, thế nhưng hầu hết đều rơi vào cảnh đìu hiu.

Hiện nay, nhiều thư viện quận, huyện tận dụng diện tích cho thuê mặt bằng, dịch vụ internet được sử dụng để tra cứu tài liệu thì trưng dụng cho trẻ em thuê chơi game.

Một người dân quận Thủ Đức cho biết rằng thư viện quận có rất ít sách hay, đa số sách đều cũ và cung cấp những kiến thức không còn mấy giá trị. Đây chính là sự lãng phí của Nhà nước vì mất mặt bằng và một khoản lương cho thủ thư mà không mang lại lợi ích cho người dân.

So với vài chục năm trước, ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều bước tiến mới, thế nhưng trong 64 thư viện cấp tỉnh, 613 thư viện cấp huyện và gần 2.000 thư viện cấp xã thì số thư viện phản ánh được mức độ phát triển của ngành xuất bản là rất ít.

Đa số các tác phẩm mới có giá trị được xuất bản hằng tuần đều không được đưa vào thư viện công cộng. Số sách mới nhập về các thư viện dừng lại ở mức nhỏ giọt và thiếu chọn lọc. Người đọc đến thư viện để tra khảo, tìm kiếm tài liệu cũ hơn là cập nhật các thông tin mới.

Trả lời phỏng vấn trên toquoc.vn, nhà văn trẻ Di Li từng cho biết: “Ở phương Tây, tác giả nào có sách được đưa vào thư viện thì mừng và tự hào. Còn ở Việt Nam, các nhà xuất bản và công ty sách thường có hợp đồng định kỳ với hệ thống thư viện. Hợp đồng bằng ấy tiền, chuyển giao đầu sách nào là tùy vào bên bán, giá bìa cứ ứng với tổng giá trị hợp đồng là được. Các thư viện đâu có chọn lựa tên sách. Vì thế đương nhiên bên bán thường cung cấp sách tồn kho. Thậm chí có những đơn vị mà công việc kinh doanh chính là cung cấp sách cho các thư viện, còn chủ trương hằng năm chỉ in những cuốn sách chất lượng xoàng, biết trước bán ra thị trường không ai mua để đưa vào thư viện. Nên sách mình đại hạ giá còn chưa xót lòng bằng phải vào thư viện”.

Đối với nhiều người Việt Nam, thư viện công cộng là nơi chỉ dành cho một số ít trí thức

>
>

Theo lời phó giám đốc của một công ty phát hành sách ở TP. Hồ Chí Minh, doanh thu của công ty này trong hai tháng cuối năm luôn cao vọt hẳn so với những tháng khác. Lý do đây là thời điểm các thư viện tỉnh nhận được kinh phí bổ sung sách và cùng tìm đến các công ty phát hành.

Tuy nhiên vào thời điểm cuối năm thì nhiều sách hay được xuất bản trước đó đã bán hết. Nhiều người nhận nhiệm vụ bổ sung sách báo ở các thư viện cho biết mặc dù họ cũng có được quyền lựa chọn nhất định, song trên thực tế kế hoạch và ngân sách cho việc bổ sung sách theo kiểu quan liêu đã hạn chế việc lựa chọn các đầu sách chất lượng.

Kết quả là các thư viện phải chi cho hết số tiền được cấp vào những cuốn sách tồn kho.Thế nên có trường hợp thư viện tỉnh mua một tên sách với số lượng nhiều bản.

Tệ hơn nữa là theo kế hoạch cứ phải nhập về cả những sách không mấy phù hợp với nhu cầu, điều kiện và đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương. Những cuốn sách đó tất nhiên là làm cho người đọc ngày càng xa rời thư viện, gây lãng phí cho cả xã hội.

Ngoài hệ thống thư viện công cộng, thực trạng trên cũng xảy ra ở nhiều thư viện trường học. Trong khoảng năm năm trở lại đây, một số thư viện đại học được nâng cấp nhờ nguồn kinh phí nhà nước, nhờ vốn vay Ngân hàng Thế giới và nhờ tài trợ của nước ngoài.

Dự án Giáo dục Đại học 1 đã đầu tư cho thư viện của 25 trường đại học với số tiền khoản 30 triệu USD. Những thư viện này đã bắt đầu tổ chức và hoạt động theo mô hình của những thư viện hiện đại.

Tuy nhiên, sự đổi mới đó vẫn chưa đủ, nguồn tài nguyên thông tin trong các thư viện này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Đó là chưa kể tại nhiều trường, không gian thư viện dành cho sinh viên bị phân bổ bất hợp lý.

Nhiều trường đầu tư xây dựng thư viện rất lớn, khang trang, sạch đẹp, nhưng lại hoạt động “đa chức năng”, trong đó có thể bố trí cả phòng đào tạo, phòng hội họp, phòng in ấn… Còn phòng đọc cho sinh viên chỉ chiếm diện tích nhỏ nên thường bị quá tải vào mùa thi.

Theo thống kê hằng năm dựa trên báo cáo của các thư viện, một người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/năm. Tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn.

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Nhà nước ra chỉ tiêu phấn đấu sẽ đạt bốn bản sách/một người dân về xuất bản, số lượng sách được đưa vào các thư viện phải chiếm gần 50% lượng sách được xuất bản trong nước.

Trong bối cảnh đa phần thư viện công cộng chỉ làm nhiệm vụ chứa sách chứ chưa tìm cách phát triển văn hóa đọc, việc xuất hiện những thư viện tư nhân ở các điểm dân cư và đặc biệt là dự án tủ sách dòng họ, tủ sách tại các trường học đã phát huy hiệu quả là một gợi ý cho chiến lược này.

Nếu Nhà nước có kinh phí hỗ trợ những thư viện tư nhân đi gây dựng phong trào đọc sách thì chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc.

Bên cạnh việc thiếu sách hay, sách mới, những thủ tục rườm rà và thái độ làm việc thiếu chuyện nghiệp của các thủ thư cũng là nguyên nhân khiến đa số người dân coi thư viện công cộng là nơi chỉ dành cho một số ít trí thức, chứ hoàn toàn không phải là nơi mà ai cũng muốn đến và có thể đến. Vì thế các nhà sách luôn có người đứng đọc cả buổi, còn thư viện với đầy đủ bàn ghế thì lại thường vắng hoe.

CẨM TÚ/DNSGCT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]