Xét theo tiêu chí tổ chức dự án, đây là một cơ hội để người yêu văn học có thêm thông tin về những đầu sách mới,  biết thêm được nhiều tác giả trẻ, tiếp cận gần hơn với những nhà văn quá cố trong và ngoài nước.

Có rất nhiều hạng mục giải thưởng được BTC công bố như sách nghiên cứu, giáo dục, kinh tế, văn học trong nước, văn học thiếu nhi... Hầu hết những giải thưởng “hợp lòng dân” bởi giá trị những tác phẩm như Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang; Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của Trịnh Xuân Thuận; Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam của Nguyễn Xuân Xanh... Tuy nhiên, vẫn còn những hạt sạn không đáng có, những sự xếp đặt khiên cưỡng, nhất là đem tác phẩm Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh và Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán vào một giỏ.

Việc này tương tự “The Voice” của Việt Nam, để một ca sĩ khiếm thị và một chàng cao to cùng hát một bài trên nhạc đài để hạ knock out nhau là một hành động phản cảm. Chưa hẳn người thắng cuộc trong cuộc tỉ thí đó sẽ thấy hài lòng. Trong tình huống của “Sách hay 2012”, nếu Phùng Quán còn sống và ngồi cùng 4 tác giả còn lại trong một khán phòng thì sẽ khó cho cả... 5. Nói thẳng ra là thiếu công bằng, thiếu tính tương đồng về mặt thời gian ra đời tác phẩm, tầm vóc văn học, hoàn cảnh sáng tác và cuối cùng là chính tác giả đó. Tuổi thơ dữ dội đại diện cho một cuộc chiến và một thời đại có nhiều bi kịch và dằn vặt của trí thức. Tác phẩm  còn là sự thể hiện nhân cách của tác giả - một người cách mạng chân chính. Bi kịch và nỗi ưu hoạn của trí thức trong một giai đoạn lịch sử chứa đựng trong Tuổi thơ dữ dội. Dữ dội hơn là tiếng kêu oan của tác giả, tiếng kêu oan của một nhân cách trong sáng bị hàm oan, bị hiểu lầm: “Anh ơi! Em là Mừng đây. Em là Mừng đây. Em không phải là Việt gian đâu”. Một tác phẩm có tầm vóc như vậy lại xếp cùng chiếu với các tác phẩm viết về tuổi thơ khác e là hơi mất trật tự.

Đành rằng “giải sách hay” là giải thuần tuý về văn học, nhưng Kính vạn hoa rất khác với Tuổi thơ dữ dội hoặc ngược lại. Về phía bạn đọc, họ cảm thấy khó cho mình quá khi chứng kiến văn đài “khốc liệt” như thế.

Tiếp theo, giải thưởng văn học nước ngoài hay nhất thuộc về... Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez. Một quả bồ hòn thật ngọt! Nhiều người thực sự bất ngờ, bất ngờ là vì sau bao nhiêu năm, một tác phẩm Nobel văn học lại được xướng tên ở mảnh đất xa xôi này chăng? Bất ngờ vì... Marquez được vinh danh chăng? Không hẳn. Họ bất ngờ vì sự an toàn! Một giải thưởng an toàn. Với tinh thần này, sang năm và vài năm sau nữa những tác phẩm kinh điển khác của thế giới, như Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và Hoà bình, Miếng da lừa cũng sẽ lần lượt được “vinh danh” tại VN chăng? Văn học trong nước sẽ có Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ...(?!).

Một giải thưởng tổ chức thường niên, một giải thưởng với tiêu chí cao cả như trên liệu đã đi đúng hướng với trào lưu văn học thế giới. Vì sau khi giải thưởng được công bố, Trăm năm cô đơn sẽ được “sốt” trở lại? hay người trẻ VN sẽ háo hức tìm đọc Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán? Nếu thế, nên chăng đổi tên “giải sách hay” thành sự kiện “phổ cập sách hay” hoặc “giới thiệu sách cho bạn đọc” có vẻ hợp lý hơn.