Sai lầm khi điều trị viêm tai

SKĐS - Trên thực tế cho thấy, đa số trẻ em bị viêm tai nặng do cha mẹ tự điều trị hoặc điều trị theo lời mách bảo.

0

Trên thực tế cho thấy, đa số trẻ em bị viêm tai nặng do cha mẹ tự điều trị hoặc điều trị theo lời mách bảo. Tại một số địa phương bà con thường sử dụng bài thuốc theo kinh nghiệm như, lấy thuốc đông dược thổi vào tai, kháng sinh rắc vào tai... khiến cho bệnh không khỏi và tiến triển nặng hơn. Việc sử dụng thuốc nhỏ tai cần phải có chỉ định của thầy thuốc, bởi thuốc nhỏ tai có nhiều loại, có loại dành cho những trường hợp màng nhĩ còn nguyên và có loại cho trường hợp đã thủng nhĩ. Có thuốc cấm sử dụng cho trường hợp đã thủng nhĩ vì hoạt chất ảnh hưởng niêm mạc tai giữa. Ngoài ra, tình trạng viêm tai điều trị không đúng cách, không khỏi dứt điểm hết sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như: nghe kém, méo miệng do liệt dây thần kinh số 7, chóng mặt do ảnh hưởng dây thần kinh tiền đình tai trong, vi khuẩn lan vào nội sọ gây viêm màng nhĩ, áp xe não...

Bác sĩ Phạm Thị Bích

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để đề phòng viêm tai khi đi bơi, người dân nên chọn nơi bơi có chất lượng nước sạch, không tắm ở nơi ao tù, nước đọng. Sau mỗi lần bơi thì nên nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau và lên cao rồi nhỏ các dung dịch sát khuẩn nhẹ như nước muối 0,9%. Sau đó lại nghiêng đầu và kéo vành tai để cho cả thuốc và nước chảy ra ngoài. Đặc biệt, không dùng tăm bông để ngoái sâu vào trong tai.

Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang, tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh hoặc không đi bơi khi đang bị cảm cúm, viêm tai giữa, viêm mũi xoang. Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau, đặc biêt là vùng sụn trước của tai thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Đối với trường hợp bơi lội và lặn sâu, hoặc nhảy cầu, sự thay đổi áp lực nước quá cao, đột ngột gây nên chấn thương âm cho tai giữa gây viêm tai giữa. Người bệnh cảm thấy đau tai, ù tai, nghe kém kéo dài kể cả khi đã lắc hết nước trong tai ra ngoài. Trong trường hợp này cần phải đến bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng điều trị bằng các thuốc kháng sinh - giảm phù nề và làm thông thoáng đường mũi họng cũng như làm thông thoáng vòi nhĩ thông từ tai giữa xuống họng.

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]