Sai lầm thường gặp khiến con dễ bị còi xương

Ninh xương nấu cháo, thêm sữa vào bột... là những cách chẳng những không giúp chống còi xương mà còn dễ khiến trẻ rối loạn tiêu hóa.

15.5846

Khoảng một tháng nay, chị Tuyết (Hoàng Mai, Hà Nội) rất lo lắng khi thấy bé Nhật, con chị, chậm lên cân, lúc ngủ hay lúc chơi đều vã nhiều mồ hôi ở đầu. Đã 9 tháng tuổi nhưng cậu bé vẫn chưa mọc chiếc răng nào. Đưa con đi khám, chị Tuyết vô cùng ngạc nhiên khi bác sĩ kết luận Nhật bị còi xương dù chị luôn tích cực tẩm bổ cho bé.

Bé Nhật đã ăn dặm lúc 5 tháng tuổi. Ngoài việc ngày nào cũng đều đặn 2 bữa cháo xay nấu với nước xương ninh, chị Tuyết tích cực cho con ăn bổ sung hoa quả và đồ ăn dặm như phô mai, khoai lang, khoai tây. "Vậy mà không hiểu sao con vẫn còi cọc, gần đây còn hay ra mồ hôi khi ngủ, tóc rụng nhiều", người mẹ trẻ không giấu băn khoăn.

Lo lắng của chị Tuyết cũng là tâm trạng của nhiều ông bố, bà mẹ khi đưa con đến phòng khám Dinh dưỡng, BV Nhi Trung ương.

Trẻ đến khám dinh dưỡng tại BV Nhi trung ương. Ảnh: Lê Mai.

Theo TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, bổ sung canxi cho trẻ là việc cần làm, giúp trẻ phát triển tốt về sức khỏe và chiều cao nhưng phải thực hiện đúng cách.

Phương pháp truyền thống được các bà mẹ áp dụng là ninh xương, ninh chân gà để lấy nước nấu cháo và bột cho bé với hy vọng trong nước xương ninh có nhiều canxi, sẽ giúp hệ cơ xương của trẻ phát triển cứng cáp. Đây là suy nghĩ sai lầm vì canxi trong xương rất khó hòa tan.

"Sau khi ninh một nồi xương trong nồi áp suất khoảng 2h, chất béo trong tủy xương lần lượt nổi lên, nhưng canxi trong nước xương vẫn rất ít. Vì vậy quan điểm cứ ăn nhiều canh xương thì sẽ có đủ canxi là không đúng", BS Thục chia sẻ.

Nhiều gia đình vì lo lắng con bị còi xương nên cố gắng bổ sung thật nhiều sữa đặc có đường hay sữa bột vào bữa ăn dặm của trẻ. Cách làm này không những không cải thiện được tình trạng còi xương của trẻ mà còn có thể khiến các bé mắc thêm những vấn đề nghiêm trọng hơn như đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.

Chị Xuyến (Ba Đình, Hà Nội) vừa phải đưa con vào bệnh viện điều trị tiêu chảy vì lý do này. Cu Bin con chị hơn 6 tháng tuổi nhưng so với các bạn cùng lứa thì thuộc dạng còi cọc.

Sợ con ăn uống chưa đủ chất, chị Xuyến sốt sắng lên mạng tìm hiểu các phương pháp bổ sung dinh dưỡng cho Bin. Nghe người hàng xóm mách cách chế biến bột nấu với sữa đặc có đường hoặc sữa công thức có thể giúp trẻ tăng cường canxi, chị lập tức áp dụng cho con mình.

"Chưa thấy lợi lộc gì mà con lại bị đầy bụng, sau đó đi ngoài phân lỏng 5-6 lần một ngày. Chỉ có 2 ngày mà nhìn con đã gầy rộc đi", chị Xuyến tự trách bản thân.

Trẻ còi xương có xu hướng tăng vào mùa đông

Mùa này miền Bắc ít ánh nắng nên số lượng bệnh nhân đến khám về còi xương tăng đáng kể. Khoảng 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày phòng khám Dinh dưỡng tiếp nhận 60-80 trẻ, trong đó số trẻ suy dinh dưỡng kèm còi xương chiếm đến 50%, chủ yếu rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tuổi.

Đa phần các cháu được gia đình đưa đến phòng khám dinh dưỡng khi có những biểu hiện như quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi, tóc rụng thành hình vành khăn sau gáy. Ở một số bé, khi được các bác sĩ khám lâm sàng thì biểu hiện còi xương còn thể hiện rõ rệt: thóp rộng, bờ thóp mềm, có bướu đỉnh, bướu trán, chân cong chữ X, chữ O....

Trẻ bị còi xương là do không được cung cấp đủ vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phốt pho trong cơ thể.

"Nhiều bà mẹ giữ con quá cẩn thận, sợ con cảm nắng, cảm gió nên không cho bé tắm nắng. Có những gia đình cho con tắm nắng nhưng thời gian và diện tích phơi nắng đều không đủ. Đây chính là lý do khiến trẻ không hấp thụ đủ vitamin D dẫn đến còi xương", BS Thục chia sẻ.

Phòng bệnh còi xương ở trẻ

Tắm nắng 15-30 phút hàng ngày (có thể áp dụng từ tuần thứ 2 sau đẻ) là yếu tố đầu tiên giúp cơ thể trẻ tạo ra vitamin D, hỗ trợ quá trình hấp thu canxi. Các vùng trên cơ thể có thể phơi nắng gồm: lưng, cánh tay, bụng.

Tuy nhiên, khi tắm nắng cho bé trong mùa đông, kể cả những ngày nắng ấm, không nên cởi bỏ hết quần áo của bé ra vì có thể khiến trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Về chế độ dinh dưỡng, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn cung cấp canxi đầy đủ và dễ hấp thụ nhất, có thể bổ sung thêm vitamin D liều 400 UI/ngày.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, bé cần được ăn bột (không được ăn cháo xay hay cơm xay) gồm 4 nhóm thực phẩm có gạo, thịt, rau xanh và dầu mỡ, không cho bé ăn bột quá sớm (trước 6 tháng), không ăn quá nhiều, không kiêng ăn quá mức khi trẻ bị bệnh.

Ngoài ra, theo bác sĩ, việc bổ sung canxi cho trẻ nhất thiết phải có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Gia đình không nên tự ý bổ sung thuốc bổ hay canxi cho bé vì dễ gây ra tình trạng chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Thậm chí, nếu tích tụ canxi quá lâu có thể gây vôi hóa thận, làm cơ thể bé giảm hấp thu các chất như sắt, kẽm, magie…

Theo Lê Mai - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]