Sai lệch và nguy cơ “ốm” mắt

SKĐS - Hiện nay, tại hầu hết các cửa hàng kinh doanh kính thuốc đều có máy đo thị lực cho khách hàng. Nhằm thu hút khách đến mua kính, các cửa hàng đều trưng biển khuyến mãi không thu tiền khi đo thị lực...

15.6

Hiện nay, tại hầu hết các cửa hàng kinh doanh kính thuốc đều có máy đo thị lực cho khách hàng. Nhằm thu hút khách đến mua kính, các cửa hàng đều trưng biển khuyến mãi không thu tiền khi đo thị lực. Điều đáng nói là phần lớn những máy đo thị lực này được các cửa hàng tự mua sắm và lắp đặt do đó khó có thể kiểm soát được chất lượng cũng như thông số kỹ thuật. Mặt khác, cửa hàng chỉ có giấy phép kính doanh thông thường, không có chuyên môn trong chuyên ngành nhãn khoa.

 

Đo thị lực có vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh mắt(ảnh có tính minh họa). Ảnh: Trần Minh

 

Cận độ 3 ra độ... 4!

Tại Khoa mắt Trẻ em, Bệnh viện  Mắt Trung ương, các bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám lại thị lực khi thấy mắt bị nhức dù đã đeo kính thuốc. Em Ngô Thị Yến, đang học lớp 5, Trường tiểu học Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: Hôm nay mẹ em đưa em đến bệnh viện để đo lại mắt kính vì hiện tại em không nhìn rõ như trước mặc dù đang đeo kính độ 3. Theo mẹ em Yến, trước đó 2 tháng, gia đình có cho con gái đi đo và cắt mắt kính tại một cửa hàng kính thuốc trên đường Giải Phóng, độ thị lực mắt trái là 2,75, mắt phải là 3 độ. Song, sau một thời gian đeo thấy con gái liên tục kêu mỏi mắt, nhức mắt và chảy nước mắt dù đang đeo kính nên chị đã đưa con gái đến bệnh viện để khám lại. Tại đây, các bác sĩ đã đo lại thị lực cho bệnh nhân Yến và chỉ số cho ra là hoàn toàn khác so với độ thị lực đã đo trước đó. Cụ thể mắt trái là 3,75, mắt phải là 4 độ. Theo nhận định của các bác sĩ, nhiều khả năng do trước đó bệnh nhân đeo kính sai độ nên lâu ngày, mắt sẽ yếu đi, nhức mắt, nhìn kém, mắt bị tật rất khó sửa.

Người dân cần đến khoa mắt tại bệnh viện để đo chỉ số khúc xạ đúng. (Ảnh do BV cung cấp)

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều tuyến phố ở phố Hà Nội, có rất nhiều cửa hàng kính thuốc với muôn hình vạn trạng. Các dãy phố Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, đường Giải Phóng, đường Tây Sơn... có đến hàng chục cửa hàng lớn nhỏ khác nhau, hầu hết bán kính thuốc, kiêm luôn kính thời trang, kính chống nắng với những lời mời mọc bắt mắt: Đo kính miễn phí, chất lượng đảm bảo. Hầu hết các cửa hàng này chỉ có giấy phép kinh doanh thông thường, riêng về lắp đặt máy đo thị lực thì theo một chủ cửa hàng kính thời trang trên đường Giải Phóng thì do cửa hàng tự mua và lắp đặt. Người đứng đo thị lực cho khách cũng chính là nhân viên bán hàng. Khi được hỏi những nhân viên này có được đào tạo hoặc tập huấn chuyên môn không? Chủ cửa hàng không giấu giếm, nói: Thực tế các máy đo thị lực cho khách hàng là máy điện tử, làm tự động hết nên nhân viên chỉ học các thao tác ấn nút là cho ra kết quả ngay!!?? Nếu khách có nhu cầu cắt kính thì chỉ số khúc xạ vừa được đo sẽ chuyển cho nhân viên kỹ thuật nhập vào máy cắt mắt kính, chỉ mất 10 phút là khách đã có một cặp kính thuốc để đeo.

Nguy cơ loạn thị cao

Trước vấn đề này, PV đã trao đổi với ThS.BS. Nguyễn Quang Huy, Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương. BS. Huy cho biết: Chỉ số khúc xạ ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết bản thân mỗi máy đo khúc xạ có một độ nhạy riêng, nếu các máy đo khúc xạ không được kiểm định kiểm duyệt, tự lắp đặt thì khả năng xảy ra sai số khúc xạ là rất cao. Thứ hai là sai số từ bản thân người đo - Người đo khúc xạ phải được tập huấn, đào tạo về chuyên môn mới sử dụng được máy đo khúc xạ. Cùng với đó người đo khúc xạ khi sử dụng máy cũng phải kết hợp hướng dẫn cụ thể người đến đo khám để điều chỉnh kỹ thuật mới có thể cho ra kết quả chính xác. Nếu khi cho ra kết quả khúc xạ không chính xác thì đương nhiên người bệnh sẽ đeo phải loại kính thuốc không phù hợp để hỗ trợ mắt khiến người đeo bị mỏi mắt, hoa mắt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị lực mắt làm cho mắt yếu đi khiến những tật về khúc xạ không có xu hướng giảm mà còn tăng lên về độ. Nguy cơ loạn thị là rất lớn.

Cũng theo BS. Huy, khi đeo kính phù hợp, mắt sẽ nhìn được rõ, sự phối hợp và điều tiết giữa 2 mắt tốt, không có những biểu hiện nhức mắt hay mỏi mắt. Để có được chính xác độ cận, viễn hay loạn của một bệnh nhân, thường phải đo kiểm tra trong khoảng 3 tuần, sau đó mới đi đến quyết định chọn kính cho phù hợp. Một số cửa hàng mắt kính hiện nay tuy đã trang bị máy đo mắt điện tử, nhưng người đo lại thiếu chuyên môn nên sai sót vẫn xảy ra. Việc kiểm tra mắt chỉ trong vài phút có thể cho kết quả sai, khiến trẻ mua phải kính sai độ là điều dễ hiểu. Để có được kết quả và những tư vấn tốt nhất người bệnh nên đến các trung tâm mắt tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để được các bác sĩ thăm khám.

Bên cạnh đó, để mặt hàng kính mắt được bày bán trên thị trường đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở có vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe đôi mắt và quyền lợi của người tiêu dùng.              

   Văn Hậu

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]