Sapa tuyết không rơi có phải tốt không!

(Xi nhan) - Không có tuyết chúng ta cũng chẳng sao, nhưng không có trâu bò, lợn gà, rau cỏ thì bà con chết đói.

15.6027

Mấy ngày vừa qua, các tỉnh miền bắc chìm trong cái rét cắt da, cắt thịt, trời mưa phùn càng làm cho cái rét thêm tê tái. Ấy thế mà trên các trang mạng xã hội lại vô cùng ồn ào, náo nhiệt trước những hình ảnh tuyết rơi dày, phủ trắng Sapa. Người thì xuýt xoa trước khung cảnh tuyết trắng lãng mạn đẹp như Hàn Quốc, kẻ lại ước ao thèm thuồng ước vùng mình ở cũng ngập tuyết như Sapa, thậm chí là kêu gọi bạn bè tổ chức đi săn tuyết để tận mục sở thị cảnh đẹp lung linh ấy.

Giới trẻ thích thú đùa nghịch trong tuyết. Đến 2h chiều, tuyết bắt đầu tan dần. Ảnh: TTXVN

Quả thực, hình ảnh tuyết rải trắng đường, phủ ngập lên những tảng đá, cành cây, mái nhà đã đem tới một vẻ đẹp mới lạ cho Sapa. Quang cảnh ở thị trấn khá giống với châu Âu, khiến nhiều du khách tò mò, thích thú.

Nhưng lặng lại đôi chút sau khi ngắm nhìn các bức ảnh, những dòng chia sẻ với đủ các loại cảm xúc vui mừng, hân hoan, xen lẫn trong tôi là những nỗi ái ngại trước một mùa đông lạnh và khắc nghiệt hơn bình thường.

Bởi đằng sau niềm vui nhỏ của các bạn trẻ là nỗi lo lớn của những người dân, tuyết rơi có thể là trâu bò chết vì rét, nguy cơ thiệt hại về hoa màu là khó tránh... Đấy là chưa kể nước đóng băng, người dân không thể gieo trồng bất thứ cái gì...

Vẫn còn ít người biết được rằng bên cạnh sự hạnh phúc của giới trẻ khi được vui đùa bên tuyết trắng là sự lầm lũi của bà con người Mông lùa đàn trâu trên núi về trong đêm với nỗi lo lắng về sự ốm đau, bệnh tật cho thứ tài sản có giá trị nhất của họ. Còn nhớ đợt rét đậm, rét hại bất thường cùng với mưa tuyết dày đặc xảy ra tại 3 huyện là Sa Pa, Bát Xát và Mường Khương tháng 3/2011 đã làm 4.238 con gia súc bị đột tử. Tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao và núi cao trong tỉnh.

Mà đâu chỉ có lo lắng về tài sản, người ta còn đủ những nỗi lo về sức khỏe và sự an toàn. Ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trẻ em không đủ quan áo ấm, giữa cái rét thấu xương như vậy chúng ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh những đứa bé mặc phong phanh với quần áo mảnh manh, phải quấn chăn ra đường.

Trời càng lạnh có nghĩa là cơ thể chúng ta sẽ càng dễ dàng nhiễm các bệnh về hô hấp, thấp khớp. Tuyết rơi bất ngờ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đường trơn trượt, giao thông đi lại khó khăn.

Người Mông đưa trâu bò về bản tránh rét

Người phương xa thì háo hức là thế, nhưng đối với những cư dân địa phương, họ đang phải gắng gượng chống chọi với cái rét tê tái, buốt gan, buốt ruột. Mong muốn của họ lúc này chính là tuyết sớm tan để không khí trở nên ấm áp, dễ chịu hơn.

Như chị Hà – một người dân ở thị trấn Sa Pa đã than thở: “Khách du lịch thì chỉ lên đây khoảng vài tiếng, ngắm xong, chơi xong thì về, còn chúng tôi thì phải chịu đựng tuyết, rét cắt da cắt thịt. Con tôi đứa lớn lạnh tới mức bị cước chân, xỏ giày đi học cũng khó. Đứa nhỏ chớm có dấu hiệu viêm phế quản. Ra tới chợ thì thấy thứ gì cũng đắt lên”.

Phải chứng kiến các nước châu Âu hàng năm tốn kém biết bao nhiêu tiền của để dọn dẹp tuyết trên đường và giao thông ngưng trệ vì bão tuyết mới thấy được rằng tuyết thực sự không đẹp như chúng ta vẫn thường thấy trên phim ảnh.

Ở một nước nhiệt đới như Việt Nam, có tuyết là một điều vô cùng hiếm hoi, chính vì vậy được chơi tuyết là niềm mơ ước và hạnh phúc của rất nhiều người và tôi cũng là một trong số đó. Nhưng nghĩ đến cuộc sống của người dân vùng núi mỗi khi giá lạnh đột ngột như mấy hôm nay thực sự tôi không còn chút nào hứng thú với tuyết.

Chợt nghĩ tuyết không rơi ở Sapa có phải tốt không. Rồi mong trời ấm thật nhanh để bà con đỡ khổ. Không có tuyết chúng ta cũng chẳng sao, nhưng không có trâu bò, lợn gà, rau cỏ thì bà con chết đói.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]