Sâu răng sớm, răng trẻ dễ bị xô lệch hàm

Giadinh.net - Sau khi Báo GĐ&XH đăng bài viết: “Dạy trẻ đánh răng” trên số báo 113, ra ngày 21/9, nhiều bạn đọc gọi điện mong Toà soạn tiếp tục đăng tải những thông tin liên quan đến vấn đề răng miệng của trẻ.

0

Ths.BS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM.

>
 
Để đáp ứng yêu cầu  trên, Báo GĐ&XH xin giới thiệu thêm một số thông tin dưới sự tư vấn của Ths.BS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM.
 
Rất nhiều bậc cha mẹ coi thường hàm răng sữa của trẻ vì cho rằng đó chỉ là hàm răng tạm thời. Họ không biết rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới việc bị xô lệch hàm (khi mọc răng vĩnh viễn) ở trẻ chính là do trẻ bị sâu răng sớm, viêm nha chu hoặc mất răng sữa sớm.

Sâu răng sớm, răng trẻ dễ bị xô lệch hàm

Yếu tố đầu tiên được coi là nguyên nhân gây lệch lạc răng hàm chính là yếu tố di truyền. Nếu cha hay mẹ có xương hàm nhỏ, răng quá to hoặc xương hàm quá to, răng quá nhỏ sẽ  gây ra sự mất cân xứng về kích thước giữa răng và hàm khiến các răng không thể xếp ngay ngắn trên cung hàm, thì thế nào cũng để lại ít nhiều dấu ấn này trên hàm răng của trẻ. Tuy nhiên, có nhiều bậc cha mẹ có hàm răng đẹp, đều như hạt bắp nhưng trẻ lại có hàm răng lệch lạc là do: 

- Một số thói quen không tốt về răng miệng khi trẻ còn nhỏ như tật mút ngón tay, mút môi và cắn môi, đẩy lưỡi, thói quen thở bằng miệng. Các thói quen này sẽ gây mất hài hòa giữa răng và hàm.

- Mất răng sữa sớm, răng vĩnh viễn không có được sự hướng dẫn và có thể đưa đến mọc lệch. Việc chú ý giữ gìn răng sữa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các răng vĩnh viễn mọc đúng trên cung hàm.

- Tình trạng dinh dưỡng kém có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm.

-  Chấn thương các răng,  ví dụ trẻ bị té ngã, sẽ làm các răng di chuyển.

- Sâu răng sớm, bệnh nha chu làm mất răng nên các răng bị xô lệch.
 
Sai khớp cắn khiến trẻ mất tự tin khi giao tiếp.
 
Trẻ cần được điều trị sớm

 Quan niệm về hàm răng đẹp là hàm răng đầy đủ với các răng mọc đúng vị trí trên cung hàm, có hình dáng bình thường và răng trên phủ ngoài răng dưới với tỉ lệ thích hợp có khớp cắn đúng.

Bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên môn về chỉnh hình răng mặt từ lúc 6 - 7 tuổi để kiểm tra và phát hiện các lệch lạc răng hàm hoặc nguy cơ sai hình  trong tương lai. Bác sĩ sẽ có những lời khuyên nếu nhận thấy trẻ cần được can thiệp sớm và sẽ quyết định thời điểm điều trị. Một số trường hợp sẽ được giải quyết sớm, không cần phải chờ đến khi rụng hết răng sữa vì lúc đó, sự lệch lạc răng sẽ trầm trọng hơn. Bởi vậy, tốt nhất là cứ 6 tháng một lần cho trẻ đi khám định kỳ.

Việc chỉnh hình răng hàm mặt có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi. Thời điểm chuẩn để chỉnh hình răng mặt tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của sự sai hình xương và sự lệch lạc của răng. Ví dụ, một trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch có thể phải dùng một máng chỉnh hình trong miệng ngay sau khi sinh vài tuần.

Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, thời điểm tốt nhất để điều trị chỉnh hình răng hàm mặt là khi các răng vĩnh viễn đã mọc (10-12 tuổi). Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, rất thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng. Nhưng để việc nắn chỉnh răng thực sự có hiệu quả hoàn hảo và không gặp nhiều cản trở về sau, thì ngay từ khi bắt đầu thay răng sữa (6-7 tuổi) nên cho trẻ đi kiểm tra răng miệng thường xuyên để có thể thực hiện nắn chỉnh răng phòng ngừa kịp thời.

Nắn chỉnh răng phòng ngừa cần thực hiện rất sớm ngay khi bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn để điều chỉnh cho hàm răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn và đều hơn, giúp cho việc nắn chỉnh toàn diện ở lứa tuổi đã thay hết răng sữa (khoảng 12 tuổi) trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt.
 
Những dạng lệch khớp cắn ở trẻ

- Nhô hàm trên: Hàm trên nhô quá về phía trước, hoặc hàm dưới lùi quá về phía sau.

- Khớp cắn ngược (móm): Hàm dưới nhô quá về phía trước hoặc hàm trên lùi quá về phía sau.
 
Hiện tượng này xảy ra khi răng hàm trên cắn vào bên trong răng hàm dưới.

 - Khớp cắn hở: Khi cắn 2 hàm răng lại, răng hàm phía sau chạm nhau nhưng răng cửa vẫn hở. Răng trên và các răng dưới không chạm nhau.

-Khớp cắn sâu: Khi cắn lại, răng hàm trên che khuất  răng hàm dưới.  
            
- Răng chen chúc: Hai hàm đúng vị trí nhưng trên mỗi hàm, răng mọc không đều các răng khấp khểnh, chen chúc. Răng quá to hay xương hàm cung răng quá nhỏ không đủ chỗ để các răng sắp xếp.

- Răng thưa: Nếu như răng bị mất hay quá nhỏ hoặc cung răng quá rộng, khoảng cách giữa các răng có thể xuất hiện điều tồi tệ thông thường nhất do quá trình này gây ra là vẻ bề ngoài xấu.
 
Ths.BS Nguyễn Quốc Dũng            
(Phó Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]