Đảm bảo an toàn thực phẩm cung ứng tết

Trước tình trạng không đảm bảo an toàn trong tiêu thụ thực phẩm như vừa qua (báo Lao Động từng nhiều lần phản ánh), đặc biệt trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề, TP.Hà Nội vừa giao cho Sở NNPTNT thành phố thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý thị trường kinh doanh thực phẩm hiện nay.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm sẽ tăng mạnh để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Dự kiến, nhu cầu sử dụng thịt trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 800 tấn thịt/ngày trong đó thịt trâu, bò trên 100 tấn, thịt lợn 500 tấn, thịt gia cầm trên 200 tấn/ngày. Trong khi đó, số lượng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn còn hạn chế, thị trường tiêu thụ thực phẩm còn nhiều trôi nổi; thực phẩm an toàn cung ứng ra thị trường từ các chuỗi liên kết hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Tình trạng ô nhiễm, gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán công khai tràn lan tại các chợ, đó là khẳng định của Sở NNPTNT khi nhìn nhận về tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay. Trên thực tế, trong khi một phần lớn nhu cầu sử dụng thực phẩm được thông qua các chợ “cóc”, chợ tạm, thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng thì thực trạng trên là điều dễ thấy. Ngay cả đối với các chợ được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng, việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gia cầm cũng bị thả lỏng. 

Có mặt tại khu vực bày bán gia cầm, thuộc chợ Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân), tất cả các sản phẩm gia cầm tại đây đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có chứng nhận kiểm định an toàn chất lượng theo các quy định. Khi được hỏi, nhiều chủ hàng không chút giấu giếm. “Cứ chấp hành đầy đủ việc đóng phí kinh doanh thì không mấy ai kiểm tra cả. Với lại, đây toàn là hàng do các gia đình nuôi và mang lên bán, có bệnh tật gì mà kiểm tra” - một chủ hàng tại đây cho biết.

Điều đáng nói, cảnh tượng ô nhiễm không chỉ diễn ra tại các chợ dân sinh, truyền thống có quy mô nhỏ, mà ngay cả những khu chợ đầu mối được đầu tư khang trang, tình trạng này cũng diễn ra phổ biến. Có mặt tại chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) - là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc, PV không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh tượng ô nhiễm nơi đây vẫn tiếp tục tái diễn. Sau trận mưa phùn, cả chợ chung cảnh nhếch nhác, bùn đất lẫn phân đã tạo nên mùi khó chịu, ngột ngạt. Gia cầm chết được nhốt chung với gia cầm sống. Hầu hết các kiốt bán gia cầm đều cáu bẩn bởi phân, lông, rác thải, thậm chí nhiều chỗ còn có cả tiết gà, vịt. Trong khi đó, nước thải dưới cống thoát bị tắc nghẽn cũng bốc mùi nồng nặc. Được xây dựng với số vốn trên 35 tỉ đồng bằng nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và TP.Hà Nội, nhưng chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ vẫn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nguyên nhân tình trạng trên, theo lý giải của Ban quản lý chợ là do lượng gia cầm tập trung về đây luôn quá tải so với diện tích chợ được xây dựng. Ước tính mỗi ngày, chợ Hà Vỹ thải 2 - 3 tấn phân, rác thải, dẫn tới công tác xử lý vệ sinh không đảm bảo. Điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm tại chợ cũng từng bị đơn vị tài trợ “tuýt còi” cảnh báo (năm 2012) vì không thực hiện theo đúng cam kết. Tuy nhiên, đến nay, vấn nạn này dù đã cải thiện, song còn chưa đáng kể, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.