Sinh con dưới nước: phương pháp “vượt cạn” cần nhiều điều kiện

Thời gian gần đây, tại Việt Nam, nhiều thai phụ, đặc biệt là những thai phụ sinh con lần đầu, rất quan tâm đến việc sinh con dưới nước.

15.6335
Tuy nhiên, các chuyên gia sản khoa cho rằng, không phải thai phụ nào cũng có thể sử dụng được phương pháp này.

 
Khác hoàn toàn phương pháp sinh truyền thống
 
BS Ngô Thị Phương Mai, Trưởng Khoa Sinh, BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: đây là phương pháp sinh hoàn toàn khác với phương pháp truyền thống. Bác sĩ phân tích: ở cách sinh truyền thống, khi cổ tử cung bắt đầu mở, thai phụ sẽ được đưa lên nằm trên bàn sinh, trải qua những cơn “gò”, cơn đau co thắt của dạ con, đẩy “cửa mình” nở ra, chịu sự đau đớn trong quá trình chuyển dạ, mà dân gian vẫn gọi là giai đoạn “banh da xẻ thịt” để đứa bé lọt lòng mẹ.
 
Ở những thai phụ sinh con lần đầu nhưng không được tư vấn chính xác và động viên, quá trình này là nỗi ám ảnh vì họ  thường nghe truyền miệng rằng “không có gì đau bằng đau đẻ”. Trong quá trình vượt cạn này chỉ có thai phụ, bác sĩ, nữ hộ sinh trong phòng sinh, hạn chế có thân nhân của thai phụ (trừ trường hợp chọn phương pháp “phòng sinh gia đình”) để đảm bảo cho sự vô trùng của cuộc chuyển dạ.

Trong khi đó, đối với sinh con dưới nước, thai phụ được hướng dẫn đặt mình ở tư thế vừa ngồi, vừa nằm trong 1 chiếc bồn đặc biệt, nhiệt độ nước ấm, thả lỏng người để thư giãn. Một bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh đứng đối diện để hướng dẫn thai phụ cách rặn. Đặc biệt, tư thế cũng như môi trường nước trong giai đoạn chuyển dạ sẽ giúp cho quá trình vượt cạn tiến triển thuận lợi, dễ dàng hơn, thai nhi chào đời nhanh chóng, cũng như giúp sản phụ không phải chịu sự đau đớn của cuộc chuyển dạ lâu như kiểu sinh truyền thống.

Ưu và khuyết điểm của phương pháp sinh dưới nước

Nói về khuyết điểm cũng như ưu điểm của phương pháp sinh này, BS Phương Mai cho rằng, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về phương pháp này nên chưa thể xác định ưu- khuyết  của sinh dưới nước có “hơn” phương pháp sinh truyền thống hay không. Tuy nhiên, một số ghi nhận thực tế trên thế giới cũng như bác sĩ từng tận mắt chứng kiến phương pháp này tại Nhật Bản cho thấy, sinh con dưới nước có một số ưu điểm như :

Người thân có thể tham gia “vượt cạn” để động viên thai phụ. Đặc biệt, sự có mặt của người chồng trong giai đoạn này sẽ góp phần “hỗ trợ” thai phụ rất nhiều.

Trước và trong suốt quá trình “vượt cạn” này, các sản phụ không cần phải gây tê ngoài màng cứng.

Nước trong bồn sinh đã được vô trùng ở nhiệt độ ấm, giúp ổn định tâm lý, giải tỏa áp lực lo lắng cũng như cảm giác sợ đau đớn ở những người mới sinh con lần đầu.

Ngoài ra, môi trường nước ấm sẽ giúp giảm cảm giác co thắt, giảm áp lực lên cơ bụng, dễ dàng thay đổi tư thế, giúp tử cung thoải mái, tốt cho quá trình lưu thông của máu. Thai phụ sẽ thấy sự nhẹ nhàng, đặc biệt cảm nhận êm ái từ vùng đáy chậu làm giảm những đau đớn khi có sự co thắt và giãn nở của tử cung. Từ đó, họ sẽ thấy chuyện “vượt cạn” không có gì là quá “đáng sợ” như những lời truyền miệng.

Môi trường nước trong bồn là một loại nước vô trùng, có thành phần, nhiệt độ tương tự như nước ối, nước luân chuyển liên tục nên tránh được việc trẻ bị nhiễm khuẩn. Nói đúng hơn, khi tiến hành sinh phương pháp này, môi trường  nước được xem là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của quá trình vượt cạn.

Việt Nam chưa áp dụng phương pháp này

Tại Việt Nam, chưa có bệnh viện hay trung tâm y khoa nào áp dụng phương pháp sinh con dưới nước. Giải thích về vấn đề này, BS Mai cho biết, sinh con dưới nước là một phương pháp mới, ngay cả ở các nước châu Âu. Sinh con dưới nước còn là một dạng “vượt cạn” tốn kém và nghiêm ngặt. Không phải thai phụ nào cũng có đủ điều kiện cần và đủ để có thể sinh bằng phương pháp này. Trong đó, có thể nói đến môi trường nước trong bồn sinh rất quan trọng như phải vô trùng, tương tự nước ối và luôn ở dạng luân chuyển.

Trong các nước Đông Nam Á, Thái Lan đã áp dụng phương pháp này, tuy nhiên, chi phí rất cao, không phải ai cũng có thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, không phải thai phụ nào đến lúc “vượt cạn” cũng có thể sinh con dưới nước theo ý muốn của mình. Việc sinh con dưới nước không hề đơn giản và dễ dàng như cách sinh truyền thống bởi ở môi trường nước, bác sĩ khó thực hiện các thao tác đỡ đẻ. Với những ca được chẩn đoán thai bất thường sẽ càng phức tạp hơn. Vì vậy, phương pháp sinh con dưới nước chỉ được áp dụng với những thai phụ có 1 thai kì bình thường, sức khỏe bình thường, có đầy đủ khả năng để trải qua 1 cuộc sinh bình thường.

Những trường hợp chống chỉ định

Tuyệt đối không được áp dụng sinh dưới nước ở những thai phụ bị mắc bệnh tim; tâm lý thai phụ không được ổn định trước khi sinh; có vết mổ cũ. Thai phụ mang thai đôi trở lên; bào thai quá lớn; thai phụ mắc bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng; ngôi thai bị ngược; thai phụ bị các bệnh liên quan đến vùng kín.

Đồng quan điểm này, Ths.BS Võ Thị Thùy Diệu, chuyên Sản phụ khoa, BV quốc tế Hạnh Phúc cũng cho rằng, dù có tác dụng giảm đau trong quá trình chuyển dạ nhưng không phải ai cũng có thể sinh theo phương pháp này..

Hiện nay, tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thực hiện phương pháp sinh này. Để giảm đau trong quá trình sinh tự nhiên, ngoài biện pháp gây tê ngoài màng cứng, vẫn có thể dùng thủy liệu pháp. Tuy nhiên, thủy liệu pháp là một phương pháp giảm đau cần có chỉ định của bác sĩ tùy theo tình hình thực tế và sức khỏe của sản phụ lúc chuyển dạ.

Hiện tại, giảm đau bằng thủy liệu pháp đang được thực hiện tại BV quốc tế Hạnh Phúc, thai phụ sẽ được ngâm mình trong giai đoạn 1 chuyển dạ. Và  giai đoạn 2, 3 thai phụ cũng sẽ sinh trên bàn sinh như những thai phụ khác.  Chi phí của quá trình dùng thủy liệu pháp tại BV quốc tế Hạnh Phúc khoảng 1,5 triệu đồng.
 
AloBacsi.vn(Theo Song Nguyễn - Phụ nữ TPHCM)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]