Sinh con khỏe - Dễ như không!

Để sinh ra được những em bé khoẻ mạnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

0

Câu hỏi này tưởng chừng như rất đơn giản, dễ trả lời: hai vợ chồng khoẻ mạnh, không bệnh tật gì, dinh dưỡng tốt, điều kiện kinh tế ổn định thì sẽ sinh ra được những đứa con khoẻ mạnh. Nhưng đấy chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để chúng ta tạo ra một thế hệ tương lai hoàn toàn khoẻ mạnh.

Trên thực tế việc thực hiện của các đôi vợ chồng thường không đầy đủ do nhiều nguyên nhân khác nhau: hiểu biết, thói quen, tập quán, kinh nghiệm dân gian… dẫn tới việc chuẩn bị, thực hiện việc sinh em bé còn mang tính cảm tính, kinh nghiệm vì vậy chưa thể tạo ra những “sản phẩm” chất lượng cao được. Cho nên để sinh ra được những em bé khoẻ mạnh các đôi vợ chồng cần tìm hiểu thật kỹ những vấn đề sau:

Sức khoẻ sinh sản là gì?

Là trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội của tất cả những gì liên quan tới hoạt động và chức năng của bộ máy sinh sản chứ không phải là không có bệnh hay khuyết tật của bộ máy đó.

Chăm sóc sức khoẻ sinh sản như thế nào?

Là sự phối hợp giữa vợ chồng, gia đình, xã hội và các biện pháp kỹ thuật, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sức khoẻ sinh sản làm cho sự hoạt động và chức năng của bộ máy sinh sản được tốt hơn, khoẻ mạnh hơn, bao hàm cả sức khoẻ tình dục. Mục đích là làm cho cuộc sống có chất lượng và hạnh phúc hơn bằng cách phòng ngừa và giải quyết các vấn đề sức khoẻ sinh sản như: khám thai, chăm sóc bà mẹ trong khi có thai, phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản…

Những việc cần chuẩn bị trước khi thụ thai

Về tinh thần:

- Phải đảm bảo chắc chắn rằng thành viên nhí trong tương lai là mong muốn của cả hai vợ chồng, là kết quả của tình yêu đích thực chứ không phải vì một áp lực nào đó, là sự thoải mái, bằng lòng, không lo lắng, băn khoăn.

Về xã hội:

- Đảm bảo việc sinh em bé không bị tác động bởi những vấn đề của xã hội như: việc làm, vị trí công tác … và những áp lực của nó.

- Tạo nên sự hài hoà, hợp lý giữa việc sinh em bé với công việc và các mối quan hệ trong xã hội.

Về thể chất:

- Các cặp vợ chồng nên tìm hiểu kỹ về nguyên lý của sự thụ thai, cách chăm sóc, dinh dưỡng của vợ, chồng trước , trong và sau quá trình thai nghén, cũng như những bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, cách phòng và điều trị trong từng giai đoạn cụ thể.

- Đừng quên tìm hiểu lịch sử bệnh tật gia đình và bản thân xem có ai mắc phải bệnh di truyền nghiêm trọng gì không ?

- Đi khám và tư vấn với bác sĩ để kiểm tra xem mình có bị bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp… không?

- Cần kiểm tra máu và xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, Chlamydia, AIDS, viêm gan B. Các bệnh cấp tính như cúm, sởi, Rubella thường gây tổn thương cho thai nhi nên cần điều trị trước khi mang thai nếu đã mắc phải, nếu chưa thì phải tiêm phòng vì Rubella có thể gây tổn thương cho mắt và tim thai nhi; mẹ bị viêm gan B cũng có thể truyền qua con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan của thai nhi; nhiễm Chlamydia là một trong những nguyên nhân gây vô sinh mà nếu không đi khám và xét nghiệm thì chúng ta không thể tự biết được.

- Kiểm tra cơ quan sinh dục, sinh sản của cả hai vợ chồng: đối với người vợ cần kiểm tra hình thể cấu trúc tử cung, buồng trứng bằng siêu âm, khám phụ khoa để điều trị viêm nhiễm nếu có (vì nước ta nằm trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm nên vấn đề viêm nhiễm của phụ nữ thường xảy ra nhất là ở những phụ nữ có quan hệ tình dục). Đối với người chồng cũng cần kiểm tra sức khoẻ bằng xét nghiệm máu, siêu âm và kiểm tra tinh dịch đồ, kể cả những người đã sinh con. Trên thực tế điều này hơi khó vì những người đàn ông thường ngộ nhận rằng họ luôn là tốt, là hoàn hảo, mọi nguyên nhân đều do người phụ nữ. Nhưng các quý ông hãy vì tương lai con em chúng ta mà bình đẳng với vợ mình! Xin các vị đừng nhầm tưởng sự to cao đẹp trai với chất lượng “quân lính” của mình, nhiều khi hai vấn đề đó không tỷ lệ thuận với nhau đấy. Hãy cùng với một nửa của mình làm đầy đủ các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để sớm tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

- Lập chế độ ăn cân bằng để đảm bảo sức khoẻ tốt cho thai phụ, hãy chọn thực phẩm từ bốn nhóm sau: Glucid (các loại ngũ cốc), Lipid (Các loại dầu, lạc, vừng…), Vitamin (trái cây, rau củ), Protein (Thịt, trứng, sữa, nhất là các loại cá). Thông thường chúng ta không rõ hết được nguồn gốc các sản phẩm dinh dưỡng nên khâu chế biến phải đảm bảo thật tốt.

- Tập thể dục thường xuyên để chuẩn bị hệ tim mạch và cơ bắp mạnh khoẻ dành cho việc sinh nở sau này. Bổ sung acid folic trước, trong và sau khi có thai để phòng một số bệnh của thai nhi, nhưng không lạm dụng thuốc, nhất là các vitamin có thể gây ngộ độc rất nguy hiểm (nên dùng theo chỉ định của bác sĩ)

- Không dùng hoặc hạn chế những chất kích thích, gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá…. Tránh môi trường làm việc độc hại như: Chì, thuỷ ngân, các chất phóng xạ…

- Làm tốt công tác vệ sinh sinh dục, vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh tình dục và vệ sinh thai nghén…

Những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình thai nghén, cách nhận biết và phòng ngừa:

Giữa mẹ và thai nhi có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau, vì vậy những biểu hiện của mẹ có thể ảnh hưởng đến con và ngược lại. Các bà mẹ khi mang thai cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn một cách cụ thể việc chăm sóc và khám thai định kỳ. Sau đây là một số nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình thai nghén:

- Nghén nặng: Là một tình trạng nhiễm độc thai nghén quá mức, thể hiện bằng nôn nhiều, nôn nặng… cần được các bác sĩ hướng dẫn và điều trị kịp thời

- Chửa ngoài tử cung: Quá trình thụ thai thường diễn ra ở 1/3 ngoài của vòi trứng sau đó mới di chuyển vào tử cung để làm tổ và phát triển, tất cả các nguyên nhân gây cảm trở quá trình di chuyển này đều dẫn tới chửa ngoài tử cung. Nhận biết bằng chậm kinh, thử HCG (+), đau bụng dưới, có thể ra máu âm đạo. Trường hợp này các thai phụ phải đi khám ngay để chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.

- Doạ sảy, sảy thai, thai lưu: là những kết thúc thai nghén trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Những dấu hiệu của vấn đề này thường diễn ra muộn nên có thể ta không tự nhận biết được. Có thể chỉ là tình trạng mất nghén đột ngột, nhưng không phải bà mẹ nào cũng nhận ra, có thể ra máu màu nâu hoặc đen. Siêu âm là phương pháp hữu hiệu và an toàn nhất để phát hiện ra những tình trạng này. Trong trường hợp doạ sảy điều trị nội khoa có thể khắc phục được, thai nhi sau này vẫn phát triển bình thường.

- Dị tật thai nhi (Có hoặc không liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể): phát hiện bằng siêu âm bắt đầu từ tuần thứ 11 trở đi. Tuỳ vào tuổi thai, tình huống cụ thể lúc khám thai mà các bác sĩ sẽ tư vấn nên siêu âm kiểm tra lại, làm xét nghiệm Triple test và chọc ối làm xét nghiệm nhiễm sắc thể (nếu cần).

- Đa ối: là tình trạng tăng quá mức lượng nước ối cần thiết trong túi thai, người mẹ thường cảm thấy bụng căng to nhanh, cân nặng tăng. Các thai phụ cần đi khám ngay và điều trị kịp thời khi thấy các dấu hiệu trên. Máy siêu âm có thể đo được lượng nước ối hiện tại.

- Thiểu ối, vô ối, dịch ối tăng âm, ngôi thai không thuận thường chỉ được phát hiện trên siêu âm nên việc khám thai và siêu âm định kỳ là rất cần thiết, nhất là những tháng cuối của quá trình thai nghén để có sự chuẩn bị hoặc can thiệp kịp thời.

Tóm lại chuẩn bị, tìm hiểu, chăm sóc ngay từ khi chưa thụ thai là một vấn đề hết sức quan trọng mà những cặp cợ chồng cần tìm hiểu cặn kẽ bởi những kiến thức ấy có thể giúp các bạn sinh con khoẻ mạnh cũng như can thiệp tích cực theo hướng dự phòng. Đối với một số trường hợp việc can thiệp của bác sĩ ở giai đoạn đã có thai nhiều khi cũng là quá muộn.

Chúc cho mọi gia đình đều sinh ra những em bé khoẻ mạnh để góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng xã hội và cộng đồng.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Sơn
 
Theo Khám phá
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]