Sinh viên chế tạo thành công tàu du lịch 'năng lượng xanh'

Sau hơn nửa năm lên ý tưởng, khảo sát thực địa, nhóm sinh viên Đà Nẵng đã chế tạo thành công tàu du lịch bằng vật liệu đặc biệt không bị ăn mòn hóa học.

15.6009

Chiếc tàu du lịch là thành quả từ đề tài nghiên cứu của các bạn sinh viên khoa Cơ khí giao thông, Đại học Bách khoa – thuộc Đại học Đà Nẵng. Tàu được chế tạo từ chất liệu composite (hay còn được gọi là compozit) với chiều dài 2,1m, chiều ngang 1m, chiều cao mạn tàu là 0,4m và chiều cao chìm là 0,2m.

Compozit là một phức hợp vật liệu bao gồm keo silicát chịu nén kết hợp với các sợi cacbon chịu kéo. Phức hợp này nhẹ hơn 40% so với nhôm ở cùng thể tích, lại không bị ăn mòn hóa học nên được ứng dụng rộng rãi trong chế tạo máy, sản xuất tàu thuyền…

Với kích thước này, tàu có thể chở được 2 người. Theo kết quả từ mẫu thiết kế ban đầu, sản phẩm có thể chạy với vận tốc 16 km/h trong vùng hoạt động có chiều cao sóng nhỏ hơn 0,15m, đồng thời có thể hoạt động liên tục trong vòng 30 phút ở tốc độ trung bình.

Chiếc tàu chạy thử nghiệm trong hồ nước khuôn viên Đại học Bách khoa.

Khi được hỏi về nguyên lý hoạt động của tàu, bạn Võ Văn Nhật, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Khi hoạt động hoặc khi để ở bến, tàu sẽ tiếp nhận năng lượng từ ánh sáng mặt trời qua bộ sạc để đi xuống ác quy cung cấp cho động cơ hoạt động. Bản thân tàu có các chế độ tiến lùi, xoay quanh một trục rất linh hoạt, đặc biêt tàu rất an toàn với độ ổn định cao”.

Để sử dụng được năng lượng mặt trời, Nhật và các bạn đã sử dụng bộ sạc Solar để sạc pin, sau đó chuyển thành năng lượng điện vào bình ắc quy. Quy trình nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để cho ra thành quả như hiện tại, các bạn đã phải chật vật trong suốt một thời gian dài.

Tàu chạy bằng năng lượng mặt trời với đầy đủ mọi tính năng và phải tuân thủ khắt khe theo TCVN 6282:2003 – “Quy phạm kiểm tra và chế tạo các tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh” của Cục đăng kiểm Việt Nam.

Nguyên lý hoạt động của chiếc tàu đặc biệt (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhật chia sẻ: “Khi thực hiện đề tài, bọn mình gặp không ít trở ngại. Chủ yếu là hạn chế về kinh nghiệm. Do ở trường chuyên lý thuyết nên khi chế taọ, tất cả phải mày mò lại từ khâu phân tích thiết kế, xây dựng tuyến hình, hình dáng, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho đến bảo đảm tính an toàn cho sản phẩm. Bọn mình thất bại rất nhiều lần ở khâu chế tạo vỏ, nhưng rồi mọi thứ cũng ổn thỏa. Mặt khác, đề tài đòi hỏi nguồn kinh phí lớn mà điều này thì vượt quá khả năng của sinh viên”.

Vượt qua trở ngại ban đầu, đề tài của các bạn đã giành giải Nhất trong hội thi sáng tạo khoa học cấp trường, nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo nhà trường, từ Đoàn trường, từ các thầy cô trong khoa cũng như sự hướng dẫn đề tài tận tình của thầy Nguyễn Tiến Thừa, giảng viên khoa Cơ khí giao thông.

Chiếc tàu “năng lượng xanh” này là thành quả lao động miệt mài của của các bạn sinh viên khoa Cơ khí giao thông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo thầy Thừa, sản phẩm của các học trò chạy êm, lại hoạt động bằng năng lượng sạch, tiết kiệm nhiên liệu một cách tối đa và không gây ô nhiễm môi trường. Sự nỗ lực suốt hơn nửa năm ròng một lần nữa được ghi nhận khi công ty TNHH Vũ Phong, một doanh nghiệp chuyên về năng lượng mặt trời tại Bình Dương đã đồng ý tài trợ cho hệ thống năng lượng mặt trời của các bạn.

Quan trọng hơn, nhóm sinh viên đã có được những kinh nghiệm, những bài học quý báu trên con đường trở thành những kỹ sư giỏi trong tương lai. Trưởng nhóm nghiên cứu và các bạn sinh viên này đang hy vọng đề tài sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức để phát triển sản phẩm ra thị trường. Điều đó sẽ góp một phần trong tiến trình đa dạng hóa du lịch ven sông biển bằng “năng lượng xanh” cũng như bảo vệ môi trường.

Các cá nhân, tổ chức quan tâm có thể liên hệ với nhóm nghiên cứu của Nhật qua địa chỉ email:  [email protected] hoặc số điện thoại: 0122.446.3680 

                              

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]