Sơ cứu trẻ bị bỏng và cách phòng tránh

Trẻ bị bỏng cần được sơ cứu, điều trị và chăm sóc đúng cách để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của trẻ.

15.6177

Trẻ bị bỏng để lại nhiều di chứng

Nghiên cứu đánh giá thực trạng tai nạn bỏng trẻ em tại khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội trong 5 năm (2010-2014) cho thấy bỏng ở trẻ em chiếm hơn một nửa tổng số bệnh nhân bỏng (52,09%). Bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm đối với trẻ em.

Bỏng không những gây đau đớn, việc chữa trị phức tạp, lâu dài, tốn kém mà bỏng còn để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co kéo cơ, tàn phế suốt đời, thậm chí khiến trẻ tử vong.

Các loại bỏng thường gặp

Bỏng nhiệt ướt: bỏng do nước sôi, nồi canh sôi…là nguyên nhân chủ yếu. Tai nạn thường xảy ra khi phích nước sôi, đồ ăn nóng để ở trong tầm với hoặc lối đi của trẻ. Tai nạn còn xảy ra khi trẻ nấu ăn giúp bố mẹ.

Bỏng nhiệt khô: bàn là, ống bô xe máy, lửa, hơi…thường do người lớn để bất cẩn hoặc trẻ nghịch ngợm đốt lửa sưởi, rơm rạ, đánh đổ xăng dầu gây bắt lửa.Bỏng hóa chất: bỏng do vôi tôi, bỏng do axid, kiềm, sử dụng nhầm acid.

Sơ cứu khi trẻ bị bỏng

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là chặn đứng tác hại của nhiệt. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn.

Làm nguội vết thương bằng nước mát sạch giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương.

- Tốt nhất là ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch. Nếu không, bạn có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần, hoặc cho nước vòi chảy lên. Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da.

- Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng, rồi lại dội thêm nước mát lên vết thương. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Cũng không lộn áo qua đầu trẻ vì bạn có thể làm bé bị bỏng ở mặt.

- Tiếp tục biện pháp làm mát vết bỏng bằng nước sạch trong vòng ít nhất 20 phút. Bạn cũng có thể dùng khăn thấm nước mát đắp lên vết thương, liên tục thay khăn vài phút một lần. Cố gắng thực hiện các biện pháp này kể cả nếu bé khóc lóc, chống đối.

- Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng… lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương.

- Trấn an và cho bé dùng thuốc giảm đau (paracetamol) nếu cần.

Nhanh chóng làm mát vết bỏng bằng nước mát sạch trong vòng 20 phút là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.

Phòng tránh trẻ không bị bỏng

Để ngăn ngừa bỏng ở trẻ em, người lớn cần biết những điểm nguy hiểm tiềm tàng trong căn nhà mình. Phòng bếp, phòng tắm và phòng khách là những căn phòng trẻ dành nhiều thời gian sinh hoạt và cũng là nơi có nhiều cơ hội hơn để trẻ tiếp xúc với vật nóng dễ gây bỏng.

Nên đọc

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, luôn trông chừng trẻ mọi lúc, mọi nơi là cách tốt nhất để phòng tránh tất cả các loại bỏng cho trẻ. Khi bé đủ lớn để hiểu, hãy dạy cho bé biết từ “nóng” và giải thích rằng cần phải tránh xa.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần làm theo các bước sau để giữ cho trẻ an toàn:

Cách ly trẻ khỏi những vật dễ gây bỏng

Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, ống bô xe máy nóng, diêm, bật lửa, ga, xăng, cồn đèn, chai lọ đựng hóa chất tẩy rửa, acid,…ở nơi trẻ không thể sờ hoặc với tới như để trên giá cao, trong tủ có khóa an toàn.

Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý

Đặt bếp ở trên nền phẳng, cao để trẻ không với tới hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần; không bế, ẵm trẻ khi đang nấu ăn hoặc đang cầm đồ vật nóng; khi nấu ăn luôn quay tay cầm, cán xoong chảo vào phía trong. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu luôn quan sát tránh xa trẻ để tránh va đụng.

Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ sử dụng; Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ, không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh.

Hãy chắc chắn bạn đã được trang bị kiến thức về sơ cứu bỏng để giảm hậu quả cho trẻ trong trường hợp tai nạn xảy ra.

Mỹ Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]