Sở hữu chéo là hiện tượng rất phổ biến trên toàn thế giới. Các quan hệ sở hữu có thể mô tả bằng một mạng gồm: các nút (công ty) và các cạnh (mũi tên chỉ từ nút j sang nút k nếu công ty j có cổ phần trong công ty k, độ dày của mũi tên tỷ lệ với số cổ phần nắm giữ); hoặc một bảng (còn được gọi là ma trận), nơi ô [j,k] chứa tỷ lệ cổ phần của công ty j trong công ty k. Tất nhiên có thể tạo ra nhiều loại mạng như về quan hệ tín dụng, về các khoản vay mượn liên ngân hàng, vân vân. Nghiên cứu các tính chất của mạng (hay ma trận) như vậy có thể giúp chúng ta tìm hiểu các tính chất của các hệ thống liên quan.

Vitali, Glattfelder và Battiston đã nghiên cứu mạng sở hữu của các công ty xuyên quốc gia (TNC). Dựa trên số liệu thống kê họ đã dựng lên một mạng gồm 600.058 nút (công ty) với 1.006.987 cạnh. Cấu trúc của mạng sở hữu này rất giống cấu trúc của nhiều mạng phức tạp được nghiên cứu gần đây, như WWW chẳng hạn. Mạng gồm nhiều thành phần được kết nối với nhau, nhưng thành phần lớn nhất chứa đến ¾ số công ty và chiếm đến 94,2% của toàn bộ doanh thu hoạt động của các TNC. Phần lõi là phần được kết nối mạnh trong đó mỗi nút (công ty) được kết nối (có sở hữu) trực tiếp hay gián tiếp với mỗi nút khác trong nhóm này. Nói cách khác, có rất nhiều vòng có độ dài bằng hai (tức là hai công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau) hay dài hơn (sở hữu lẫn nhau một cách gián tiếp). Hình dưới đây lấy từ nghiên cứu đó, minh họa mạng sở hữu gữa một số ngân hàng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Cấu trúc mạng kiểu như vậy, trước đây được cho là phản ánh các chiến lược chống-thâu tóm, làm giảm chi phí giao dịch, chia sẻ rủi ro, làm giảm bất đối xứng thông tin, tăng lòng tin và lợi ích của nhóm. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây cho thấy cấu trúc như vậy cản trở cạnh tranh, tạo sự thông đồng, và quan trọng nhất là khiến cho sự ổn định của hệ thống trở nên mong manh, một cú sốc cục bộ có thể lây lan nhanh trong toàn mạng.  

Nghiên cứu mới đây của J. Stiglitz, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, cũng rút ra kết luận: "Mức độ hội nhập hoàn toàn nói chung là không tối ưu"; và các mạng tín dụng có cấu trúc như nêu trên có thể ảnh hưởng đến khả năng kéo nhau cùng vỡ nợ, đến sự lây nhiễm, đến rủi ro hệ thống.

Như thế bản thân sự sở hữu chéo có cái hay và cái dở của nó. Hiểu rõ chúng là hết sức quan trọng trong điều hành kinh tế. Và cải cách, tái cơ cấu trúc, thực chất là thiết lập lại cấu trúc của mạng, mà trước hết là mạng sở hữu.

Có thể ứng dụng mô hình phân tích mạng để tìm hiểu vấn đề sở hữu chéo của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thí dụ, không khó để lập một bảng có 40-50 hàng và 40-50 cột tương ứng với mỗi ngân hàng thương mại Việt Nam. Tại một thời điểm cho trước nào đó, ta điền tỷ lệ cổ phần của ngân hàng j (ở hàng j) trong ngân hàng k (ở cột k) vào ô [j,k] tương ứng. Thí dụ Vietcombank ở hàng j, thì các cột k có thể là Eximbank (8,19%), Sài Gòn Công Thương (5,29%), Ngân hàng Quân Đội (11%), Gia Định (3,83%), Ngân hàng Phương Đông (4,67%). Hoặc ô Eximbank-Sacombank là 9,73%, còn ô Sacombank-Eximbank là 3%. Và tương tự với các ngân hàng khác.

Thậm chí có thể mở rộng thêm mạng này để có thông tin sở hữu ngân hàng của các cá nhân và công ty khác nữa (hệ thống thông tin lưu ký chứng khoán có thông tin này hoặc có thể xử lý, lọc để có được những thông tin như vậy từ hệ thống lưu ký).

Tại bất cứ thời điểm nào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đầy đủ thông tin để lập ra một bảng như vậy và có thể tính toán các đặc trưng mạng để từ đó suy ra những tính chất của toàn hệ thống, tìm các lỗi hệ thống để chỉnh sửa kịp thời… Đó là một công cụ hữu hiệu cho việc điều hành hệ thống ngân hàng (có thể dễ dàng phân tích nhiều loại mạng như vậy, chứ không chỉ mạng sở hữu).

Như trên đã nhắc tới, ngay cả ở các nước nơi quy định pháp lý rõ ràng hơn chúng ta rất nhiều, tính minh bạch cũng cao hơn, nhưng với sự tập trung ngày càng tăng của các mạng tài chính, với sự gia tăng của tính kết nối, sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên rất nhiều so với trước đây. Việc tự do hóa khu vực tài chính ngân hàng, phi điều tiết hóa hoạt động tài chính ngân hàng đã gây ra những biến đổi lớn trong cấu trúc của hệ thống (của mạng) và rủi ro hệ thống, tính dễ tổn thương của hệ thống tăng lên mà sự đổ vỡ của hệ thống tài chính ngân hàng vừa qua là một cảnh cáo hết sức nghiêm túc và đáng tiếc vô cùng tốn kém.

Môi trường pháp lý của chúng ta chưa thật rõ ràng, tính minh bạch kém, thì những vấn đề tương tự do sở hữu chéo nói riêng và mạng các quan hệ giữa các tổ chức tín dụng nói chung càng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Đáng tiếc, tôi chưa biết những nghiên cứu như vậy mà chỉ thấy những đánh giá định tính chung.

Việt Nam đang đặt vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại, thì tìm hiểu kỹ về sở hữu chéo bằng các mô hình nghiêm túc để đưa ra các nhận xét định lượng phục vụ cho việc quản lý hệ thống là hết sức cấp bách.