Sổ tay theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em: Hữu ích cho sự phảt triển

Giadinh.net - “Cuốn sổ này sẽ giúp cải thiện công tác theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (SKBM&TE) tại các tỉnh, thành thực hiện dự án; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc SKBM&TE toàn quốc, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam”.

31.2023

TS Dương Quốc Trọng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS - KHHGĐ nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm triển khai sử dụng sổ theo dõi SKBM&TE do Bộ Y tế phối hợp với tổ chức Jica Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội ngày 18/3.

Năm 1998, Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản đã giới thiệu quyển sổ theo dõi SKBM&TE đang được sử dụng tại các tỉnh, thành phố của Nhật Bản tới tỉnh Bến Tre. Cuốn sổ được dịch ra tiếng Việt và sử dụng thử nghiệm tại 160/160 xã, phường của tỉnh Bến Tre với thiết kế nhỏ gọn như: Sổ y bạ, giúp theo dõi sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ cho tới 5 tuổi và tình trạng sức khỏe người mẹ trong suốt thời kỳ mang thai. Sau đó, cuốn sổ này được triển khai tại các tỉnh: Hà Giang, Thái Bình, Bắc Giang...
 

Cha mẹ sẽ yên tâm hơn khi có cuốn sổ SKBMTE (Ảnh: TG).

Năm 2008, Bộ Y tế phối hợp với Trường ĐH Osaka (Nhật Bản) cùng hỗ trợ tài chính của Quỹ Toyota, hỗ trợ kỹ thuật của Jica tổ chức hội thảo góp ý bổ sung hoàn thiện nội dung cuốn sổ định hướng triển khai trên phạm vi toàn quốc. Sau đó, Bộ Y tế giao Tổng cục DS-KHHGĐ cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp chặt chẽ với các tổ chức liên quan của Nhật Bản hoàn thiện và phổ biến cuốn sổ này.

Tại hội thảo lần này, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành triển khai dự án đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm triển khai mô hình cho các bên liên quan và cho các tỉnh sẽ thực hiện trong thời gian tới. Từ tháng 4/2009 – 3/2012, dự án triển khai sử dụng sổ theo dõi SKBM&TE tại 3 tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa và An Giang. Nếu thí điểm thành công tại 3 tỉnh trên, Bộ Y tế sẽ chỉnh sửa, chuẩn hóa sổ theo dõi SKBM&TE theo quy định để ban hành và sử dụng toàn quốc. Các địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Long và Đồng Nai tuy chưa trực tiếp tham gia vào dự án, nhưng cũng có mặt để học hỏi kinh nghiệm với mong muốn phổ biến loại sổ theo dõi này trong tương lai.

“Chúng tôi mong rằng, dự án này sẽ đóng góp cho sự cải thiện về sức khoẻ bà mẹ trẻ em ở 3 tỉnh thí điểm trong những năm tới và trong toàn quốc trong thời gian dài”, ông Yosuke Kobayashi, đại diện của Jica bày tỏ. Nhân dịp này, thay mặt Tổng cục DS - KHHGĐ, TS Dương Quốc Trọng cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của Jica cho công tác DS- KHHGĐ trong những năm qua và trong thời gian tới. 
 
   Vân Thảo
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]