Sỏi thận có thể gây suy thận?

Những cơn đau quặn thận và nước tiểu đỏ khiến bạn lo lắng mình sắp bị suy thận.

15.6247
Bạn đọc Trần Văn Minh (Nghệ An) hỏi:

Tôi bị sỏi thận đã 4 năm nay, thời gian gần đây hay xuất hiện những cơn đau quặn và đi nước tiểu đỏ. Nghe nói bệnh của tôi rất dễ bị suy thận nếu không điều trị tốt. Xin quý báo cho tôi biết cách phòng biến chứng này?

BS. Dương Đình Hanh trả lời:

Sỏi đường tiết niệu thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp hay tắc nghẽn. Do đó, những vị trí có sỏi thường là thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo.

Sỏi di chuyển, nhất là loại có gai nhọn sẽ cọ xát vào đường niệu gây ra đau lưng, tiểu ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản.

Khi sỏi va chạm vào đường niệu thì nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu.
 

Người bệnh sẽ thấy đau lưng, tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu đục. Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận. Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm, lâu ngày dẫn đến xơ hoá thành đường tiểu và đài thận.

Hậu quả của xơ hóa là giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu.Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản.

Đã có trường hợp vỡ thận và vỡ bàng quang do sỏi. Sỏi hiện diện lâu 2 bên niệu quản hay sỏi thận 1 bên còn bên kia sỏi niệu, dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu). Chức năng thận bị giảm nếu có sỏi ở 2 bên thận, nhất là khi kết hợp viêm nhiễm gây ra suy thận.

Hiện có rất nhiều cách trị sỏi thận, bạn nên đến các chuyên khoa thận tiết niệu để được khám và tư vấn cách trị phù hợp.

                                                                                                                                   AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]