Sơn La: Khó khăn trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

(VOV) - Sơn La là tỉnh có nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

0

Đối mặt nhiều thách thức

Gần 1 năm đã trôi qua, nhưng người dân ở Bản Hùn, phường Chiềng Cọ thành phố Sơn La chưa thể quên vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại đám cưới trong bản. Thức ăn trong cỗ cưới được chế biến từ một con bò bị nhiễm độc từ thuốc diệt cỏ. Hậu quả, có tới gần 200 người phải nhập viện.

Rất may không có trường hợp tử vong, nhưng đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn nhất từ trước đến nay ở Sơn La. Nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là tỉnh có nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm trên dân số cao, dao động từ 13 - 26 người/100.000 dân, có nhiều vụ trên 10 người mắc, tỷ lệ tử vong cao từ 1 - 2% số người mắc.

Riêng năm 2012 vừa qua toàn tỉnh xảy ra 13 vụ ngộ độc, 625 người mắc, trên 500 người trong số này phải nhập viện. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do nhận thức của người dân về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đồng đều. Người tiêu dùng ở khu vực thành thị có khoảng 80% hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn đối với vùng sâu, vùng xa thì hiện nay các thông điệp, thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm đến với người dân còn hạn chế”.

Cũng theo ông Hà, một nguyên nhân cơ bản khác khiến công tác đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu là do đội ngũ cán bộ làm công tác này còn thiếu. Ở tuyến tỉnh đã thành lập Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, song mới có 14 cán bộ trực tiếp. Tuyến huyện mới có 9/11 huyện, thành phố thành lập Khoa vệ sinh an toàn thực phẩm, song cán bộ các khoa này hầu hết phải kiêm nhiệm nhiều chương trình, dự án khác, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình an toàn thực phẩm tại địa phương.

Cá biệt, hai huyện Sốp Cộp và Quỳnh Nhai vẫn chưa thành lập được Khoa vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Bác sỹ Lường Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp, nguyên nhân khiến huyện Sốp Cộp chưa tách được Khoa vệ sinh an toàn thực phẩm là do cơ sở vật chất của trung tâm y tế huyện chưa có phòng làm việc để tách khoa, thứ 2 là do nhân lực, biên chế.

“Hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sốp Cộp mới có 1 cán bộ chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất khó khăn trong việc kiểm tra giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn huyện”, Bác sỹ Lường Văn Xuân nói.

Xây dựng hệ thống cộng tác viên tuyến xã

Nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong phiên họp thường kỳ tháng 2, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành đề án xây dựng hệ thống cộng tác viên vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến xã, mục tiêu đến năm 2015, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có cộng tác viên an toàn vệ sinh thực phẩm duy trì hoạt động hiệu quả, đảm bảo giám sát, cảnh báo sớm được các nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Ông Lầu Sáy Chứ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết: “Trước mắt chúng tôi đề xuất mỗi xã trọng điểm có 2 cộng tác viên, các xã còn lại 1 cộng tác viên. Xã nào là trọng điểm sau này Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất trình Chủ tịch tỉnh ký quyết định ban hành”.

Việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có tác động trực tiếp, thường xuyên đối với sức khỏe của mỗi người dân, ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống của dân tộc. Cùng với triển khai đề án xây dựng hệ thống cộng tác viên vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến xã, tỉnh Sơn La cũng cần chủ động đào tạo, nâng cao kiến thức và trang bị phương tiện cho đội ngũ này./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]