Sống lại “Hồn thơ độc đáo”

TP - Tuyển tập nghiên cứu, phê bình “Hoàng Cầm - hồn thơ độc đáo” vừa được xuất bản nhân một năm Hoàng Cầm tạ thế và chẵn 90 năm sinh, 5-5.

0

>

Cuốn sách hoàn thiện trọn bộ sách về Hoàng Cầm mà Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây từng xuất bản: Hoàng Cầm tác phẩm - Thơ (2003); Hoàng Cầm tác phẩm - Truyện thơ, Kịch (2003); Hoàng Cầm tác phẩm - Văn xuôi (2004). Được chính Hoàng Cầm gửi gắm, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tiếp tục biên soạn cuốn này, gồm bốn phần: Hồi ức, kỷ niệm; Nghiên cứu phê bình; Về một số tác phẩm cụ thể; Phỏng vấn.

Những người yêu mến Hoàng Cầm chưa quên hình vóc thư sinh, da trắng, môi đỏ, đôi mắt lẳng, giọng đọc thơ trầm ấm quyến rũ, tính cách yếu đuối dịu dàng, đầy cả tin và ảo tưởng về tình yêu. Trải qua những tháng ngày khó khăn nhất, tưởng như với bản chất yếu đuối ông không thể gượng dậy.

Nhà thơ Lê Đạt: “Tôi không tin một người đắm đuối thơ như Cầm lại bỏ cuộc. Và con người bạc nhược kia đã đứng dậy với tư cách một người chữ can đảm. Sau năm sáu tháng gì đó, Cầm đưa tôi một bài thơ, cung điệu còn chuệch choạc nhưng đã nghe thấy tiếng cánh đập của chữ. Con chim họa mi Kinh Bắc lại vươn cổ bắt đầu hót”.

Qua những bài nghiên cứu phê bình, Hoàng Cầm hiện ra đa dạng hơn là một “ông hoàng thơ tình” như ông thường được xưng tụng. Khi lãng mạn, khi mang khuôn mặt hào hùng của người lính, khi bi phẫn, và sau này là Hoàng Cầm hư thực trong cõi mộng ảo do chính ông tạo ra.

Nhà thơ xây được một thế giới thơ của riêng mình, không thể trộn lẫn, đây là điều nhiều người khẳng định. Nhưng tạo ra thế giới ấy thế nào - mỗi nhà nghiên cứu, phê bình lại có cách lý giải khác nhau. Chu Văn Sơn nhận xét Hoàng Cầm có một “thi pháp thực gợi thế giới siêu”; Đỗ Lai Thúy lý giải Hoàng Cầm từ góc độ mặc cảm Oedipe và “bút pháp của ham muốn”; Hoàng Hưng nhìn ra ở Hoàng Cầm khả năng giao tiếp với cõi âm…

Hoàng Cầm ít khi tuyên ngôn, lý luận về thơ. Ông sáng tác một cách bản năng. Những chia sẻ của ông trong phần cuối tập sách có thể giúp hiểu về ông hơn. Hoàng Cầm làm thơ và quyết định trở thành nhà thơ từ năm 16 tuổi bởi yêu thơ, bởi “Yêu dân tộc mình quá. Và ngôn ngữ Việt Nam quả thật lạ lùng. Giải thích thì rất khó nhưng tiếng Việt thật là tinh vi, đi sâu vào những ngõ ngách tâm hồn”.

Hoàng Cầm coi phụ nữ là chất xúc tác cho thơ ông: “Gần như các tập thơ của tôi đều ra đời do sự thúc đẩy của tình yêu”. Hoàng Cầm tự tin với đời thơ của mình nhưng cũng tiếc nuối cho nhiều hoài bão chưa thực hiện được: “Nếu nói về thiên chức của một người được trời phú cho làm thi sĩ thì tôi cũng tự hào là mình đã làm đúng. Còn với hoài bão của mình thì tôi chưa thỏa mãn. Lúc tôi sung sức thì bị hoàn cảnh hạn chế nhiều thứ.

Mười năm lại đây, đất nước đổi mới, bao nhiêu vấn đề đặt ra cho người làm thơ, tôi cảm thấy mình có những rung động mãnh liệt còn hơn ngày trước. Vậy mà tôi già mất rồi, sức lực không cho phép nữa. Tôi tiếc lắm”.

Báo giấy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]