Sống sót kỳ diệu sau cắt 9 bộ phận do ung thư

SKĐS - Mới đây, dư luận Anh được chứng kiến ca phẫu thuật có một không hai của một nữ bệnh nhân phải cắt bỏ 9 bộ phận cơ thể do mắc bệnh ung thư hiếm gặp có tên u giả nhầy phúc mạc.

15.593

Mới đây, dư luận Anh được chứng kiến ca phẫu thuật có một không hai của một nữ bệnh nhân phải cắt bỏ 9 bộ phận cơ thể do mắc bệnh ung thư hiếm gặp có tên u giả nhầy phúc mạc.

“Ðệ nhất phẫu thuật” và bệnh nhân “9-9”

Đó là trường hợp đặc biệt của chị Jenny Ramage (35 tuổi, ở Bristol, Anh) đã qua ca phẫu thuật dài  9 giờ và phải cắt bỏ 9 bộ phận cơ thể. Ban đầu, Ramage bị đau bụng âm ỉ nhưng đi khám đều kết luận là đau hành kinh, do đầy hơi hoặc mắc chứng ruột kích thích (IBS). Cuối cùng nhờ scan phát hiện thấy một khối u trong ruột thừa và tìm ra nguyên nhân đích thực, bệnh u giả nhầy phúc mạc, một dạng ung thư cực kỳ hiếm gặp.

Chị Jenny Ramage phải cắt bỏ 9 bộ phận cơthể vì mắc bệnh PMP.

Ca phẫu thuật dài 9 giờ, bác sĩ lấy ra 9 bộ phận nội tạng, gồm đại tràng phải, lá lách, túi mật, buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột thừa, rốn, riêng gan và cơ hoành chỉ cắt bỏ một phần. Sau phẫu thuật để lại một vết mổ dài trên 35cm trên bụng nhưng bệnh  nhân lại sống sót kỳ diệu sau ba tuần nằm viện và đến nay đã hồi phục hoàn toàn. Căn bệnh mà chị Ramage mắc phải giống như trường hợp mắc bệnh của nữ minh tinh màn bạc Hollywood Audrey Hepburn, qua đời năm 1993 tại Thụy Sỹ.

Đầu năm 2011, chị Ramage xuất hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến kinh nguyệt, sang đến mùa hè, xuất hiện thêm hiện tượng táo bón và cảm giác như có vật gì đó mắc kẹt quanh ruột thừa. Cũng trong giai đoạn nói trên, chị Ramage đã đi khám tại nhiều nơi nhưng ở đâu bác sĩ cũng kết luận giống nhau như mắc chứng IBS, đau kinh nguyệt, viêm ruột thừa, thậm chí cả bệnh thần kinh do hoang tưởng.

Sau nhiều lần chiếu chụp, xét nghiệm, cuối cùng bằng thủ thuật soi ổ bụng bác sĩ đã phát hiện thấy hàng chục đốm trắng bất thường, nguyên nhân gây đau là do u nang buồng trứng. Ngay lập tức Ramage được chuyển đến Bệnh viện Basingstoke, một trong hai cơ sở duy nhất ở Anh có chuyên khoa điều trị bệnh u giả nhầy phúc mạc (PMP). Tại đây, nhờ kỹ thuật CT scan bác sĩ phát hiện thấy khối u đã di căn, xuất hiện rải rác khắp nơi, từ cơ hoành xuống bàng quang. Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ buộc phải cắt bỏ 9 bộ phận. Sau đó bơm dịch liệu pháp hóa trị liệu ấm vào khoang bụng để tiêu diệt các tế bào ung thư nhỏ còn sót lại.

Bệnh PMP hiếm gặp nhưng ít nguy hiểm

U giả nhầy phúc mạc hay u nhầy ruột thừa (pseudomyxoma peritonei), gọi tắt PMP là dạng ung thư hiếm gặp, có tỷ lệ mắc bệnh 1/500.000 người mỗi năm. Nó được mô tả lần đầu bởi bác sĩ người Đức Carl F. Rokitansky năm 1842, sau đó vào năm 1884, thuật ngữ u giả nhầy phúc mạc được ra đời, nói về khối u buồng trứng nhầy. Bệnh PMP được tạo nên bởi việc tích tụ chất nhầy bên trong lòng ống ruột thừa và gây tắc nghẽn gốc ruột thừa. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến sau tuổi 35, tập trung ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, thường là lành tính, ác tính chỉ chiếm khoảng 10% .

Theo Quỹ Nghiên cứu bệnh PMP của Anh  (PRF), phần lớn bệnh u nhầy ruột thừa thường không có triệu chứng rõ ràng, phát hiện do tình cờ khi đi siêu âm hay chiếu chụp CTscan. Về mặt giải phẫu, bệnh PMP có thể phân loại là u nhầy đơn thuần, u nhầy tăng sản, u nang tuyến nhầy và ung thư nang tuyến nhầy. Trong số này chỉ có loại cuối, ung thư nang tuyến nhầy được xem là ác tính chiếm khoảng 10%. Vì vậy, khi phát hiện u nhầy ruột thừa, bác sĩ thường khuyến cáo phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối nhầy nhưng mổ hở hay nội soi còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Triệu chứng điển hình như tăng chu vi bụng, đầy hơi, đau hoặc khó chịu ở vùng bụng, thường đau âm ỉ hoặc đau nhói nhất là vùng hạ vị hoặc hố chậu phải, xuất hiện các triệu chứng u nang buồng trứng hoặc có khối u, báng bụng do chất lỏng tích tụ bên trong. Ngoài ra còn có các triệu chứng kích thích bàng quang do khối u to dần đè lên thành bàng quang. Thông thường siêu âm ít cho kết quả chính xác nên chụp cắt lớp sẽ giúp phát hiện nhanh bệnh. Bằng siêu âm người ta có thể biết được cấu trúc dạng nang ở vùng hố chậu phải, hình ảnh vỏ củ hành, tức hình ảnh đặc thù của u nhầy ruột thừa. Nếu áp dụng thủ thuật CTscan sẽ có độ chính xác cao, giúp hiểu được cấu trúc nang ở hố chậu phải, mức độ canxi hóa vỏ nang, đây là những nốt trắng bao quang ở thành u nhầy cho biết mức độ u hóa ác tính như trường hợp của bệnh nhân người Anh nói trên.

Điều trị bệnh PMP tùy thuộc vào từng trường hợp. Do bệnh hiếm gặp lại phát triển chậm nên phải thận trọng. Liệu pháp giải tỏa khối u và truyền hóa chất ấm trong ổ bụng hoặc phẫu thuật cắt triệt để khối u. Như trên đã đề cập, bệnh PMP có thế mổ hở hay nội soi, tuy nhiên thủ thuật này hiện đang tranh cãi. Có người ủng hộ mổ hở cắt ruột thừa chứa chất nhầy vì sợ vỡ ruột thừa làm chất nhầy lan vào khoang phúc mạc dẫn đến u giả nhầy phúc mạc hoặc khi gặp ung thư tuyến nhầy dễ vỡ hoặc đụng chạm vào thành bụng đều là tai họa khó lường. Nhóm ủng hộ nội soi ruột thừa thì cho rằng, với sự tiến bộ của y học, kết hợp với kinh nghiệm chuyên môn có thể được cắt cẩn thận khối u đưa ra ngoài ổ bụng, hạn chế rủi ro biến chứng không mong muốn. Tuy nhiên, để mang lại lợi ích cao nhất cần làm giải phẫu, thực hiện các xét nghiệm, nếu có tế bào ác tính thì phải thực hiện ngay một cuộc phẫu thuật cắt đại tràng phải hoặc cắt đoạn manh tràng để ngừa tái phát.

Về hóa trị thường dùng Mitomycin C truyền trực tiếp vào khoang bụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các khối u ung thư còn sót lại. Bơm dịch liệu pháp hóa trị liệu ấm vào khoang bụng bênh nhân một hoặc hai giờ sau phẫu thuật cuối cùng, hoặc tạo các cửa thải để thoát nước chứa hóa chất thời gian 1-5 ngày sau khi phẫu thuật. Hóa trị hệ thống được dùng như liệu pháp điều trị bổ sung. Hóa trị toàn thân được dành riêng cho những bệnh nhân có bệnh tiến triển, tái phát hoặc bệnh đã lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc các vị trí ở xa trong cơ thể.

(Theo Net/DM/WP, 3/2015)

Duy Hùng

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]