Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch

15.6186
Cục Y tế dự phòng Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009, cả nước ghi nhận gần 27.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 26 trường hợp tử vong (chủ yếu là trẻ em), tăng khoảng 25,9% so với cùng kỳ năm 2008.
 
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam, miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh...
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, tình hình cũng diễn biến tương tự ở trên thế giới với 24 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ghi nhận dịch sốt xuất huyết, trong đó có cả một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Lào, Campuchia...

Theo Cục Y tế dự phòng Việt Nam, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do sự thay đổi của khí hậu, thời tiết, phát triển nhiều công trường xây dựng, ao hồ bị lấp, môi trường bị ô nhiễm, mật độ dân số cao.

Cục y tế dự phòng và Môi trường Việt Nam đã thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 15 tỉnh trọng điểm từ ngày 29/6-10/7 để đánh giá, nhận định về tình hình dịch tại địa phương, công tác chỉ đạo, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị triển khai các hoạt động phòng chống dịch; đồng thời tìm hiểu các yếu tố, nguyên nhân làm tái phát các ổ dịch và để dịch kéo dài.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong những tháng cuối năm nay, sốt xuất huyết tại Việt Nam có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ biến chứng, tử vong do sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của từng gia đình và toàn xã hội.

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết rất giống những bệnh lý khác như sốt siêu vi, cảm, sốt phát ban… không có dấu hiệu đặc biệt nào ngoài sốt nên rất khó chẩn đoán được bệnh, ngay cả khi làm xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm lớn.

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết lân lan rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường như diệt muỗi ở gia đình và cộng đồng, thu gom phế thải, loại bỏ các vật chứa nước không đảm bảo vệ sinh, thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước; quản lý các dụng cụ chứa nước sinh hoạt của gia đình, không cho muỗi đẻ trứng...
 
Ngoài ra, người dân cần phối hợp với cán bộ y tế triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trên trên địa bàn. Khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, phát ban hoặc có các biểu hiện xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng dẫn đến tử vong./.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]