Sốt xuất huyết: Thiếu “thuốc” điều trị

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng đang tăng rõ rệt, ở người trưởng thành cũng đã có hai ca tử vong.

15.6112

Thế nhưng, hiện nay, các bệnh viện (BV) tại TPHCM rơi vào tình trạng không có hoặc thiếu dịch lọc máu, dịch truyền cao phân tử - vốn rất quan trọng để điều trị những ca nặng, tránh nguy cơ tử vong cho người bệnh.

ột bệnh nhi đang truyền dịch cao phân tử điều trị bệnh sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng 2

Quá ít nhà cung cấp

Tính từ đầu năm đến nay, BV Bệnh Nhiệt đới có 5.850 trường hợp mắc SXH đến khám và điều trị, trong đó người lớn chiếm đến 4.490 ca và đã có một ca trẻ em và hai ca người lớn tử vong. Ở những trường hợp nặng, các bác sĩ (BS) thường sử dụng dịch lọc máu và dịch truyền cao phân tử để điều trị, thế nhưng tại BV Bệnh Nhiệt đới đã thiếu hụt dịch lọc máu hơn một tháng nay. Để có dịch lọc máu điều trị, BV này phải đi mượn ở các BV khác.

Còn tại hai BV Nhi Đồng, mỗi ngày cũng điều trị nội trú cho 120 -200 ca SXH và từ đầu năm đến nay đã có 14 ca tử vong. Theo BS Nguyễn Trần Nam - Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, số lượng bệnh nhi nhập viện tương đương mùa dịch SXH của các năm trước nhưng số ca bệnh nặng đã tăng 20%, chủ yếu ở lứa năm tuổi. Tương tự, tại BV Nhi Đồng 1, BS Nguyễn Minh Tiến - Trưởng khoa SXH - cho biết, năm nay, số ca SXH tăng khoảng 5%; nếu như đầu mùa dịch SXH (tháng Năm-Sáu) chỉ tăng nhẹ, thì từ tháng Bảy đến nay lại tăng mạnh hơn, trong đó, tỷ lệ sốc chiếm đến 15%.

Chính vì số ca bệnh nặng tăng nên rất cần dịch truyền cao phân tử và dịch lọc máu. Một số BS cho biết, dịch lọc máu ở cả hai BV này đều đang có nguy cơ cạn kiệt, thế nhưng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân lại rất lớn. Tại BV Nhi Đồng 2, có một bệnh nhi phải truyền đến 55 lít dịch lọc máu trong suốt 11 ngày. Nguy hiểm hơn khi cả TPHCM chỉ có một công ty dược duy nhất cung ứng nguồn hàng này và hy vọng đến tháng Chín mới có hàng.

Không chỉ có dịch lọc máu, ngay cả dịch truyền cao phân tử trong điều trị SXH cũng rơi vào tình trạng lúc có lúc không. Dù đã dự trữ sẵn nhưng sáu tháng đầu năm nay, BV Nhi Đồng 1 đã gặp khó khăn, công ty dược không cung ứng dịch truyền cao phân tử. Còn tại BV Nhi Đồng 2, dịch truyền cao phân tử mới có hàng khoảng hai tuần trở lại đây.
 
Một BS cho biết, trước đây, dịch truyền cao phân tử do nhiều nước Mỹ, Nga, châu Âu sản xuất với hai sản phẩm là Dextran và Hes thì hiện nay chỉ còn loại Hes nhập từ Nga, Séc, Hungary, nhưng nguồn hàng cũng không ổn định. Riêng sản phẩm Dextran “bỏ rơi” thị trường vì ở các nước Tây Âu và Mỹ vốn rất hiếm bệnh SXH, mặt khác, dịch truyền này khi sử dụng cho các trường hợp khác tại nước sở tại như: hậu phẫu, chống sốc, nhiễm trùng lại gây ra phản ứng phụ như rối loạn đông máu, dị ứng, suy thận nên họ ngừng sản xuất.
 
Người lớn bị sốt xuất huyết ngày càng nặng

Gia tăng người lớn mắc sốt xuất huyết nặng

BS Võ Minh Quang - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới - cho biết, số người lớn bị SXH nặng trong mùa dịch năm nay tăng so với những năm trước, đã có nhiều trường hợp thai phụ mắc SXH dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu, sinh non… Đặc biệt, trong tổng số bệnh nhân đang điều trị nội trú có đến 90% trường hợp rơi vào giai đoạn bệnh cảnh báo và 6% bệnh ở giai đoạn nặng.

Theo BS Võ Minh Quang, người lớn khi mắc bệnh thường chủ quan, không nhập viện ngay mà tự mua thuốc điều trị nên bệnh tiến triển nặng hơn. Khi nhập viện, việc điều trị các bệnh nhân này rất khó khăn, chậm hồi phục sức khỏe. Các BS khuyên, bệnh nhân cần sớm đến BV khi thấy các dấu hiệu như: sốt trên hai ngày, sốt cao liên tục, uống thuốc vẫn không hạ sốt, nhức xương khớp, da sung huyết. Khi bệnh trở nặng, người lớn thường bị chảy máu răng, tổn thương gan, suy đa tạng… Người bệnh không đợi đến khi có những chấm xuất huyết nổi dưới da mới nhập viện vì đó chỉ là một trong những dấu hiệu của bệnh SXH. Hơn nữa, ở một số người khi mắc SXH lại không nổi chấm xuất huyết. Mặt khác, SXH dễ nhầm với các bệnh cảm, đau nhức trong những ngày đầu mới mắc bệnh.

Hiện nay, chưa có vắc-xin ngừa SXH, do đó, việc phòng bệnh vẫn dựa vào việc vệ sinh môi trường để diệt muỗi, diệt lăng quăng. Lưu ý, vào tháng Bảy âm lịch, nhiều gia đình thường cúng tế, để lọ hoa, các chén nước quá lâu cũng giúp muỗi sinh sản.

Ở trẻ em, nếu thấy trẻ sốt hơn hai ngày, đau bụng, bứt rứt, chóng mặt, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ, uống thuốc vẫn không hạ sốt, ói ra máu, đi phân đen… phải cho nhập viện ngay. Đặc biệt, trẻ dư cân rất dễ chuyển sang sốc, diễn tiến bệnh phức tạp; chưa kể, việc điều trị cũng khó khăn khi phải điều chỉnh dịch truyền thích hợp cho lứa tuổi, cân nặng của mỗi bé.

AloBacsi.vn (Theo Văn Thanh - Phụ nữ TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]