Sốt xuất huyết và những điều cần biết

Là một dịch bệnh đã hoành hành nhiều năm nhưng đến nay sốt xuất huyết vẫn chưa bị tiêu diệt và cũng chưa có vắc-xin để tiêm phòng. Trong mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, mẹ cần cảnh giác cao độ để cả nhà tránh khỏi nguy cơ nhiễm bệnh

15.5968

Những điểm nóng của dịch

Những quốc gia có khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới ở vùng châu Á, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi là những vùng có nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết cao nhất.

Ở Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm và có khoảng 90% các ca mắc bệnh thuộc các tỉnh miền Nam. Dịch có chu kỳ từ 3 đến 5 năm một lần và lây truyền thông qua loài muỗi vằn.

Có 2 loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn và muỗi hổ châu Á, được phân biệt dựa trên vạch trắng dọc lưng

Các dạng sốt xuất huyết khác nhau

Có 4 tuýp huyết thanh của virus sốt xuất huyết được tìm thấy tại Việt Nam. Sự lưu hành của cả 4 loại virus khiến tỷ lệ mắc bệnh tăng cao hơn. Sốt xuất huyết thông thường nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang dạng biến chứng và dễ dẫn đến tử vong và quan trọng hơn là phần lớn số ca tử vong xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Đối với sốt xuất huyết thông thường, những dấu hiệu giống với bị cảm cúm và kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Những dấu hiệu bệnh bao gồm:

–Sốt cao 40oC

-Nhức sau hốc mắt

-Buồn nôn và nôn

-Sưng hạch bạch huyết

-Đau mỏi cơ, xương, khớp

-Phát ban

-Tiêu chảy

Giai đoạn biến chứng có thể xảy ra sau 3 đến 7 ngày phát bệnh. Tuy thấy nhiệt độ đã giảm, nhưng bệnh nhân và người nhà cần chú ý để phát hiện ngay những dấu hiệu biến chứng như:

-Đau bụng cấp

-Nôn dai dẳng

-Chảy máu chân răng

-Nôn ra máu

-Thở gấp

-Mệt mỏi, bứt rứt

Lúc này, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế đáng tin cậy vì tiếp theo có thể là sốc hoặc ứ dịch, suy hô hấp, suy tạng nặng, xuất huyết nặng và có thể rơi vào tình trạng nguy kịch.

Phòng ngừa sốt xuất huyết

Vì chưa có vắc-xin đặc hiệu, việc duy nhất mà mẹ có thể làm để bảo vệ gia đình là diệt muỗi vằn, trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Nếu đã có nguồn nước sạch, bạn không nên tích trữ nước trong nhà. Trong trường hợp phải dự trữ nước trong lu, thùng lớn, bắt buộc phải có nắp đậy để tránh muỗi đẻ trứng vào đó. Nếu có trồng cây trong chậu nước, bạn nên thả vào đó một vài chú cá vàng hay cá bảy màu, vừa làm đẹp cảnh quan, vừa giúp bạn diệt lăng quăng (bọ gậy). Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số biện pháp kết hợp khác là đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.

 

MarryBaby

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]