Su-35: 5 điều thú vị về chiếc máy bay tiêm kích hàng đầu của Nga

Ngày 19/2/2008, lần đầu tiên tiêm kích đa năng Su-35 cất cánh và đến nay đã trở thành bộ mặt của lực lượng Không quân Nga: đến 2020, sẽ có gần 100 chiếc được đưa vào trang bị.

15.5841

Chúng ta cùng điểm ra 5 điều thú vị về Su-35 – chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4++ mạnh nhất trên thế giới.

1. Trong lịch sử Không quân Nga từng có 2 chiếc Su-35

Đầu những năm 1990, tại nhiều triển lãm quốc tế, người Nga đã trình làng chiếc Su-27M (phiên bản nâng cấp từ Su-27), cũng với tên gọi Su-35.

Đây gần như được coi là nỗ lực đầu tiên nhằm cho ra đời một chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn đa năng. Nhưng vì một số lý do, chiếc máy bay nói trên đã không được tiếp tục thiết kế và phải đến năm 2005 người Nga mới quay trở lại với Su-35.

Ngày 19/2/2008, từ sân bay Ramensky của Viện nghiên cứu mang tên Gromov, chiếc Su-35 đầu tiên mới chính thức cất cánh. Chiếc máy bay này được phi công lái máy bay thử nghiệm cao cấp Sergei Bogdan điều khiển.

Ban đầu, chiếc tiêm kích này được gọi là Su-35BM (phiên bản nâng cấp sâu), sau đó người ta quyết định chỉ gọi đơn giản là Su-35 với mục tiêu xuất khẩu nó ra nước ngoài.

Sau khi có sự quan tâm từ phía Lực lượng Không quân Nga, đã ra đời phiên bản Su-35S (chữ cái S có nghĩa là phiên bản được trang bị các thiết bị kỹ thuật dành riêng cho Bộ Quốc phòng Nga).

2. Su-35 được so sánh với "vật thể lạ" như thế nào

Ở nước ngoài, Su-35 (theo cách gọi của NATO: Flanker-E+) lần đầu tên được giới thiệu vào năm 2013 tại triển lãm hàng không quốc tế ở Pháp. Các bài bay trình diễn của chiếc tiêm kích này đã trở thành tiết mục “đinh” của triển lãm.

Và chính phi công Sergei Bogdan đã điều khiển chiếc Su-35 tại triển lãm này. Khi đó viên phi công lái máy bay thử nghiệm Bogdan đã thực hiện cú bay “bánh cuốn xèo” trên bầu trời nước Pháp khiến cả triển lãm nín lặng.

Đây là một cú nhào lộn 360 độ trên không mà không hề giảm tốc độ cũng như độ cao. Không một chiếc tiêm kích nào có thể thực hiện được cú nhào lộn này. TGĐ Tập đoàn công nghệ điện tử Nga (KRET) Nikolai Kolesov bình luận về cú nhào lộn của Su-35:

“Các máy bay của chúng ta như chiếc “bánh cuốn xèo” bay ngang qua sân bay – không một chiếc máy bay nào trên thế giới có thể làm được. Hệ thống điều khiển tổng hợp và hệ thống điều khiển động cơ đều do chúng tôi sản xuất”.

Còn các chuyên gia nước ngoài thì so sánh cú nhào lộn do Su-35 trình diễn giống như vật thể lạ ngoài hành tinh. Kỹ sư thiết kế người Pháp Cristian Kunovsky chia sẻ:

“Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực này 22 năm, đã chứng kiến nhiều điều, nhưng cú nhào lộn đó là thứ gì không thể tin được. Đó không phải là máy bay tiêm kích, đó là vật thể lạ ngoài hành tinh! Nói một cách thật lòng, tôi lần đầu tiên trong đời đã khóc vì thán phục!”.

Su-35S sơn màu xanh da trời của không quân Nga.

3. Su-35 có thể “nhìn thấy” mục tiêu cách xa 400km

Dù không có radar mảng pha chủ động, nhưng hệ thống định vị điện tử của Su-35 có thể phát hiện được các mục tiêu từ khoảng cách lên đến 400km, cũng như có thể cùng lúc theo dõi 30 mục tiêu trên không và bắn hạ đồng thời 8 mục tiêu.

Chiếc tiêm kích có được những tính năng này là nhờ radar mảng pha thụ động “Erbis”. Hệ thống này được Viện nghiên cứu mang tên Tikhomirov thiết kế và Nhà máy chế tạo công cụ quốc gia Ryazansky thuộc Tập đoàn KRET sản xuất.

Hệ thống radar của tiêm kích Su-35 được coi là loại hiện đại nhất trên thế giới. Nó còn vượt trội hầu hết các hệ thống radar của Mỹ và Châu Âu, kể cả radar mảng pha chủ động cũng như thụ động.

4. Trong buồng lái Su-35 không còn các thiết bị đo bằng kim

Buồng lái Su-35 gần giống với buồng lái của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Khác so với Su-27, trong buồng lái của Su-35 không có các đồng hồ kim.

Thay vào đó là 2 màn hình màu tinh thể lỏng hoạt động theo chế độ “hình ảnh trong hình ảnh” hiển thị tất cả những thông tin cần thiết dành cho phi công.

Trong buồng lái của Su-35 màn hình hiển thị trực chuẩn được lắp đặt trên kính chắn gió phía trước. Bằng cách này phi công có thể nhìn thấy những hình ảnh và dấu hiệu trên nền bầu trời xanh giống như nó lượn trước mũi máy bay.

Trong thực tế, vai trò của phi công trở nên ít hơn, hệ thống máy tính quyết định chiếc phi cơ sẽ đuổi bắt mục tiêu với tốc độ nào và thời điểm nào thì cho phép phi công sử dụng hoả lực.

Bên cạnh đó, chiếc máy bay này tự thực hiện phần lớn các chế độ bay phức tạp, ví dụ như bay ở những độ cao rất sát với mặt đất tại những địa hình gập ghềnh.

5. Su-35 mang được 8 tấn vũ khí tiên tiến

Tổng cộng trên Su-35 có 12 hệ thống treo giúp nó có thể mang được 8 tấn tên lửa và bom chính xác cao. Thành phần của các loại vũ khí được trang bị cho Su-35 gồm một loạt các tên lửa điều khiển “không đối đất” như:

"5 tên lửa X-58USHE thế hệ mới, 3 tên lửa tầm xa thuộc hệ thống “Kalibr-A” và 1 tên lửa chống hạm hạng nặng tầm xa Yakhont”.

Tiêm kích Su-35 cũng có thể mang tới 11 loại bom điều khiển trang bị hệ thống dẫn tìm mục tiêu bằng hình ảnh, vệ tinh hoặc laser. Trong tương lai, Su-35 có thể sử dụng các loại bom mẫu mới 500 và 250kg cũng như các rocket cỡ 80, 122 và 266/420mm.

Bên cạnh đó, Su-35 có khả năng sử dụng hoả lực của mình ở vận tốc siêu thanh tương đương 1,5M và trên độ cao hơn 13.700m. Để so sánh, máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ chỉ có thể triển khai hoả lực ở độ cao 9.100m và vận tốc đạt gần 0,9M.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]